Đình Hắc Lăng, nơi thờ Châu Văn Tiếp.
Đệ nhất đẳng khai quốc công thần
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long, sai Đặng Đức Siêu soạn văn tế và truy phong Châu Văn Tiếp là Tả quân Đô đốc, tước Lâm đào Quận công và cho lập đền thờ ở Hắc Lăng nay thuộc xã Tam Phước, thị trấn Long Đất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm Giáp Tý (1804), Châu Văn Tiếp được thờ nơi đền Hiền Trung (Sài Gòn). Đến năm Gia Long thứ 6 (1807), xét công lao các bề tôi qua Vọng Các (Xiêm La), ông được liệt hàng Đệ nhất đẳng khai quốc công thần và được thờ tại Trung Hưng Công Thần miếu (Huế).
Đến năm vua Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy phong tước Lâm Thao Quận công. Năm Tự Đức thứ ba (1850), nhà vua cho xây dựng lại đền ở Hắc Lăng, vì đã bị chiến tranh tàn phá nặng (chỉ còn trơ lại nền đất và móng đá, hiện ở phía trước chùa Bửu Quang).
Nhưng năm sau (1851), mới được khởi công ở nơi mới, cách nơi cũ khoảng 500m. Thời Lamère làm tỉnh trưởng Bà Rịa, nhân dân trong tỉnh tự tổ chức quyên góp và tái thiết đền với quy mô lớn.
Theo Sổ tay hành hương đất phương Nam, dưới thời Pháp thuộc, các đền thờ công thần triều Nguyễn đều được cải danh thành đình làng; cũng chính vì thế đền thờ ông Tiếp trở thành đình Hắc Lăng. Hiện nơi đình vẫn thờ chiếc ngai do Gia Long ban thưởng, khuôn biển có khắc bốn chữ thếp vàng: Lâm Thao Quận Công cùng nhiều sắc phong của các vua Nguyễn…
Nguyễn Tri Phương đồng cảm
Nguyễn Tri Phương, một danh tướng triều Nguyễn, trải các đời từ vua Minh Mạng đến đầu thời Tự Đức, làm đến chức Phụ chính đại thần. Ông là một vị quan thanh liêm, cần mẫn việc nước, đã nêu tấm gương trung liệt trong quá trình chống Pháp.
Năm Tự Đức thứ 4 (1851) Nguyễn Tri Phương cùng Phan Thanh Giản (1796 – 1867) được cử làm Chính, Phó Kinh lược Xứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập được nhiều đồn điền, khai khẩn đất hoang, dân cư địa phương được an cư lập nghiệp.
Năm Tự Đức thứ 8 (1855), Khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương đi kinh lược Nam Kỳ có đến viếng đền Châu Quận Công ở Măng Thít (thuộc xã Tân Long Hội, huyện Măng Thít) và có làm thơ điếu, hiện vẫn còn lưu giữ ở đền thờ: “Qua sông Mân Thít cảm anh hào – Vì chúa liều mình tiết nghĩa cao – Trăm trận xông pha oai chẳng giảm – Mấy lần nguy hiểm bụng không xao – Cỏ cây giống nhuộm màu lưu huyết – Giông gió như nghe tiếng nộ đào – An Hội miếu linh còn tạc để -Ngàn thu danh giá biết đường bao.
Bài thơ có giá trị lớn về phương diện lịch sử. Ngoài ra tác giả còn thể hiện sự kính ngưỡng và đồng cảm của mình, một vị đại thần thuộc thế hệ sau đối với một danh tướng thuộc thế hệ tiền bối, người có công lớn trong buổi đầu quá trình thành lập triều đại mà mình đang phụng sự.
Về Châu Thị Đậu, tục gọi là Châu Muội nương, em gái Châu Văn Tiếp, là người giỏi võ nghệ. Khi Lê Văn Quân còn có tên là Duân hay Câu, người Định Tường ra phò tá Châu Văn Tiếp ở núi Trà Lương, hai người quen nhau và trở thành vợ chồng.
Cũng như chồng, bà giúp chúa Nguyễn rất tận lực. Những lúc xông pha ra chiến trận, bà chẳng kém gì trai. Những ngày theo Nguyễn Phúc Ánh sang Vọng Các, chính bà đã hai lần cầm binh đánh thắng quân Miến Điện và quân Chà Và (Java) theo lời yêu cầu tiếp viện của vua Xiêm, khiến người Xiêm rất thán phục.
Nguyễn Thành Trung