<div> <p>Theo các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé bị bỏ quên trên ôtô suốt 9 tiếng đồng hồ đã thoát chết, được cứu sống chính nhờ vào khâu cấp cứu ban đầu rất tốt, kịp thời. </p> <p>Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng khoa Quốc tế- Bệnh viện Nhi Trung ương, Giảng viên quốc tế về cấp cứu nhi khoa APLS cho biết trong cấp cứu đã bao hàm ý đầu tiên, là phải tức thì và phải hiệu quả nhất có thể.</p> <p>Đối với cơ sở y tế tuyến dưới, bản thân tiếp xúc với nạn nhân, nếu được xử lý cơ bản thì sẽ cấp cứu tốt, không những giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh nhất có thể mà sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho điều trị ở cấp cao hơn. Đây là điểm mấu chốt.</p> <p>Vấn đề thời điểm, thời gian, nếu chậm trễ một phút hoặc định hướng điều trị ban đầu sai sẽ dẫn tới một là khả năng phục hồi đứa trẻ rất chậm, hai là có nguy cơ gây ra biến chứng do cấp cứu ban đầu sai. Ba là, các tuyến điều trị cấp cứu cao hơn như tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ mất đi cơ hội điều trị cho trẻ ở mức độ cao nhất đó là trẻ trở lại tình trạng bình thường, không có di chứng.</p> <p>"Trong trường hợp này, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của cấp cứu ban đầu, ngay ở hiện trường của vụ tai nạn ở tuyến cấp cứu gần nhất với đứa trẻ, tuyệt đối không được chậm trễ, không bỏ qua bất cứ một giây phút nào, đồng thời phải làm tốt nhất có thể được, bằng mọi hình thức, các động tác cấp cứu phải chuẩn để giúp đỡ trẻ hồi phục trọn vẹn nhất, nhanh nhất có thể, tạo điều kiện cho các tuyến sau có cơ hội cấp cứu, hồi sức được cho bệnh nhân phục hồi lại hoàn toàn"- Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh. </p> <p>Khác nhau, tùy theo từng cơ thể, từng thời gian, phụ thuộc nhiều vào môi trường bên ngoài. Với thực trạng hiện tại của trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ cung cấp kỹ hơn.</p> <p>Về bệnh lý, khi bác sĩ tiếp cận được với tình trạng bệnh, chúng tôi đã đánh giá sát lại các cơ quan như cơ quan hô hấp, tuần hoàn, thần kinh trung ương, nước, điện giải, đặc biệt là đường máu kèm theo. Với các trường hợp này, các cháu phải được tiếp cận với từng điều trị một. </p> <p>Trước câu hỏi, trong 9 giờ bị bỏ quên, em bé sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, Phó Giáo sư Trần Minh Điển cho rằng hiện tại theo đánh giá của chúng tôi, sau khi chụp CT cho bệnh nhi, với thần kinh và tri giác của em bé khá tỉnh táo, không có dấu hiệu nào của tổn thương thần kinh khu trú, kết quả chụp CT sọ não cũng khá ổn, không thấy tổn thương gì. Em bé được tiên lượng khá tốt và có thể quay lại cuộc sống bình thường trong vài ngày tới. </p> <p>"Theo những tài liệu y văn về sốc nhiệt và bỏ quên trên xe, thì trẻ em tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn, có thể liên quan đến khối lượng nước của trẻ em nhiều, nguy cơ mất nước cao, và dễ bị ảnh hưởng nhiệt bằng nhiều cách. Với các trường hợp bị bỏ quên trên ôtô, tùy theo từng cơ thể, tùy theo từng thời điểm trên xe, may mắn là các chức năng sống của em bé vẫn còn, em bé vẫn còn thở, nhịp tim đập tương đối tốt, chỉ tri giác thì bắt đầu lơ mơ thôi. Bệnh nhân nhi này chưa phải ở mức độ nặng nề, được tiếp cận cấp cứu sớm nên đã được cứu. Chúng tôi tiên lượng bệnh nhân tốt"- Phó Giáo sư Trần Minh Điển cho biết. </p> <coccocgrammar></coccocgrammar><coccocgrammar></coccocgrammar></div> <p> </p>