Ngăn chặn mỡ vào máu
PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm cho biết, chất xơ là các polysaccharid không phải là tinh bột, đó là bộ khung các tế bào thực vật và có sức chống đỡ với các men tiêu hóa ở người.
Chất xơ có hai loại: hòa tan và không hòa tan.
Chất xơ không hòa tan là chất xơ không tan trong nước và di chuyển trong đường tiêu hóa gần như nguyên vẹn.
Tác dụng của nó là làm chậm sự thủy phân tinh bột, làm chậm sự hấp thu đường vào máu, giúp làm tăng nhu động ruột, làm tăng khối lượng khối phân do giữ nước, giúp phòng chống táo bón, tăng đào thải axit mật giúp giảm cholesterol.
Nó có nhiều trong thân và vỏ các loại rau quả, bột mỳ, ngũ cốc, các sản phẩm từ gạo lứt, cám gạo.
CXHT là chất xơ tan trong nước. Khi trong đường tiêu hóa, chúng tạo nên lớp nhớt, tráng lên các bề mặt của thành ruột trong thức ăn, qua đó làm giảm hấp thu đường vào máu, giảm hấp thu mỡ, giảm cholesterol.
Lớp nhớt này còn làm cho khối phân di chuyển dễ dàng hơn trong lòng ruột cùng với sự gia tăng kích thước khối phân và sự tơi xốp của khối phân nhờ vi khuẩn trong đại tràng lên men chất xơ, góp phần quan trọng trong chống táo bón.
CXHT có nhiều trong các loại đậu, yến mạch, lúa mạch, rau quả, đặc biệt là rễ cây rau diếp. Riêng chất nhầy có nhiều trong mồng tơi, rau đay, mướp, thanh long…
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội chia sẻ, CXHT dưới dạng gel làm giảm sự hấp thu của một số thức ăn, bao gồm cả cholesterol, đồng thời làm tăng sự bài xuất của cholesterol trong mật.
Các CXHT cũng làm giảm sự hấp thu carbohydrate do đó lượng đường máu được duy trì ổn định hơn.
Trong nghiên cứu các nhà khoa học đã phát hiện nồng độ cholesterol giảm một cách đáng kể khi ăn những thức ăn giống nhau nhưng chia thành những bữa ăn nhỏ trong ngày hơn là ăn hai hoặc ba bữa ăn lớn, bắt chước những ảnh hưởng của việc hấp thu chậm carbohydrate qua CXHT…
Bên cạnh đó, CXHT sẽ liên kết với các chất như cholesterol và đường giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hấp thu các chất này vào máu.
Đây là lý do giải thích tại sao CXHT có thể điều chỉnh nồng độ lượng đường trong máu và bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh tim mạch.
Hơn nữa, nó còn giúp giảm cân, CXHT sẽ giúp con người cảm thấy no lâu hơn và giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Mỗi ngày bổ sung 400 – 400g chất xơ để phòng bệnh tật.
Giảm tử vong tới 50%
Các nhà khoa học đã chỉ ra ăn thêm 10g CXHT mỗi ngày sẽ giúp giảm 4% mỡ bụng trong 5 năm. Những người ăn nhiều chất xơ nhất (khoảng 25g/ngày với phụ nữ và 30g/ngày với nam giới) có nguy cơ tử vong ít hơn 22% so với những người ăn ít chất xơ nhất (10g/ngày với phụ nữ và 13g/ngày với nam giới).
Thậm chí, những người có chế độ ăn giàu chất xơ có thể giảm được tới hơn 50% nguy cơ tử vong vì các bệnh: tim mạch, các bệnh nhiễm trùng và bệnh đường hô hấp…
TS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ, đừng quá lo lắng về việc tính toán và tăng cường lượng CXHT hay không hòa tan.
Cả CXHT và chất xơ không hòa tan đều quan trọng với sức khỏe. Thay vào đó, hãy tìm cách áp dụng để tăng tổng lượng chất xơ mà mình tiêu thụ, từ đó thu được lợi ích của cả 2 loại.
TS Sơn cho biết, nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc mỡ máu giảm khi tiêu thụ trái cây mỗi ngày. Bởi rau củ và trái cây được coi là loại thực phẩm chứa ít calo, ít natri.
Việc tiêu thụ rau quả và hoa quả tươi mỗi ngày (bao gồm các loại rau quả mọng, rau lá xanh, cây họ cải, cây và hạt họ đậu) với một lượng vừa đủ (400 – 500g/ngày) sẽ giúp giảm nguy cơ mạch vành, đột quỵ và tăng huyết áp.
Tốt nhất là đặt mục tiêu ăn ít nhất 3 khẩu phần rau (vào 3 bữa chính) và 2 khẩu phần trái cây (bữa sáng và các bữa phụ) mỗi ngày.
Nhật Hà