<div> <div> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic" style="text-align: justify;"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/27/hanh1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption" style="text-align: justify;">PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh tại buổi giao ban báo chí chiều 15/10.</td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Tại buổi giao ban báo chí chiều 15/10 do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, theo Nghị định 117 của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế thì trách nhiệm của ngành y tế là kiểm tra giám sát chất lượng nước.</p> <p style="text-align: justify;">Hiện nay, theo quy định tiêu chuẩn nước Việt Nam tất cả có 109 chỉ tiêu để kiểm tra phân loại theo mức độ A, B, C. Trong số này thì có 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B và 78 chỉ tiêu C. Chỉ tiêu A là những chỉ tiêu dễ bị thay đổi, còn chỉ tiêu B khả năng thay đổi là trung bình, chỉ tiêu C thì ít thay đổi.</p> <p style="text-align: justify;">Vì vậy, với các chỉ tiêu A thì các nhà máy nước phải nội kiểm một tuần một lần. Còn ngành Y tế (Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội) sẽ tiến hành kiểm soát 1 tháng 1 lần. Với chỉ tiêu B thì 6 tháng 1 lần, với chỉ tiêu C thì 2 năm kiểm tra một lần. Khi nào nhà máy nước thay đổi, hoặc đưa vào sử dụng thì kiểm tra tất cả các chỉ tiêu.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Hạnh cũng thông tin, trên cơ sở thông tin đại chúng thì Sở Y tế Hà Nội cũng đã chủ động giám sát các mẫu nước. Theo đó, Sở đã lấy 8 mẫu, bao gồm cả trên Nhà máy nước sông Đà và 4 mẫu ở nhà hộ dân tại Hà Nội.</p> <p style="text-align: justify;">Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, trong nước máy cung cấp cho người dân có chất Styren với nồng độ cao hơn mức cho phép theo tiêu chuẩn 01 năm 2009 của Bộ Y tế. Đây là tiêu chí trong nhóm chỉ tiêu C- hai năm mới kiểm tra một lần.</p> <p style="text-align: justify;">“Trước tình hình này, Sở đã phối hợp với Viện sức khỏe của Bộ Y tế kiểm tra tiếp cho thấy, nồng độ (chất Styren) cao hơn và cao dần ở phía nhà Nhà máy nước sông Đà và thấp dần ở phía nhà dân (cuối nguồn). Mức độ cao hơn từ 3,6 – 1,6 lần mức cho phép. Mùi này (hôi, khét trong nước máy-PV) có thể do chất Styren do dầu chảy ra và mùi clo gây khó chịu”, ông Hạnh nói.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic" style="text-align: justify;"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/17/nuoc_sach.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption" style="text-align: justify;">Chất Styren có trong nước sạch do Cty Sông Đà cung cấp ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người dân?</td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Trả lời câu hỏi, chất Styren này có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân hay không, ông Hạnh cho biết: Có hai tiêu chí (nước có mùi, Styren có nồng độ cao hơn) thì nước này đã không đảm bảo chất lượng.</p> <p style="text-align: justify;">“Còn Styren ảnh hưởng như thế nào thì hiện nay chưa có tài liệu chính thống nói rõ ảnh hưởng như thế nào, hàm lượng ra sao thì mới ảnh hưởng. Qua tài liệu thì chúng tôi thấy, đối với cơ quan quản lý của Mỹ, quy định nước uống đóng chai hàm lượng Styren là không quá 0,1mcg/lít. Nhưng mỗi nước lại quy định khác nhau.</p> <p style="text-align: justify;">Đúng là hàm lượng Styren (trong nước máy của Nhà máy nước sông Đà cung cấp cho dân-PV) có cao hơn mức bình thường nhưng chưa có căn cứ để xác định ảnh hưởng đến đâu, ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe người dân”, ông Hạnh nói.</p> <p style="text-align: justify;">Được biết, hàm lượng Styren tiêu chuẩn trong nước là 20mg/l. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội chỉ nói cao gấp 1,3- 3,65 lần so với tiêu chuẩn quy định mà không nói rõ mức độ nguy hiểm khiến nhiều người ái ngại.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Hạnh cũng thông tin thêm, hướng xử lý tiếp theo của Sở này là tham mưu cho Nhà máy nước sông Đà tiếp tục có giám sát toàn diện hơn - tức là lấy mẫu nhiều hơn (ở cả nhà máy, trên đường ống và cả hộ gia đình) để xét nghiệm tổng thể trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về mức độ ảnh hưởng.</p> </div> </div>