Chiến lược phải tạo ra sự đột phá trong quản lý rừng
Phát biểu tại hội thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nêu, rừng của Việt Nam bị chiến tranh tàn phá, sau đó là con người khai thác cạn kiệt, nhất là những năm kinh tế khó khăn. Trải qua nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được những mục tiêu quan trọng, độ che phủ rừng đã đạt 42% trong năm 2020. Nhằm thực hiện kết luận 54 của Bộ Chính trị, ngày 7/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 357, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược phải đạt tầm nhìn dài, xoay chuyển thực tế, có những thay đổi về chất những tồn tại hiện nay.
Ông Triệu Văn Hùng, thành viên ban soạn thảo trình bày về nội dung Chiến lược. |
TS Lê Công Lươmg, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, vấn đề rừng và chất lượng rừng được quan tâm hơn bao giờ hết sau những thảm hoạ lũ lụt ở miền Trung vừa qua. Góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam là một phần trong kế hoạch hợp tác giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Liên hiệp Hội Việt Nam
Ông Triệu Văn Hùng, thành viên ban soạn thảo cho biết, Chiến lược gồm có 8 phần, các tác giả đã tham khảo chiến lược phát triển lâm nghiệp của 53 quốc gia với mục tiêu phát triền bền vững và có hiệu quả cao. Về kinh tế, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp khoảng 55,5%, xuất khẩu lâm sản đạt 18 - 20 tỷ năm 2025, 21 - 25 tỷ USD năm 2030, khai thác gỗ trong nước 45 triệu m3 năm 2025 và 62 triệu m3 năm 2030, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, sẽ có 10% rừng tự nhiên sẽ được nâng cấp từ rừng nghèo lên rừng trung bình, từ rừng trung bình lên rừng giàu đến 2025 và đến 2030 sẽ có 30% rừng được nâng cấp. Tỷ lệ che phủ rừng sẽ đạt 42 - 43%, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng không tăng, ổn định sinh kế cho người dân để không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Chiến lược đề ra các đột phá là về khoa học công nghệ và cơ chế chính sách, lĩnh vực này còn nhiều dư địa tạo động lực phát triển.
Có nên đặt muc tiêu khai thác gỗ tăng 3 lần?
Theo chuyên gia lâm nghiệp, TS Đoàn Diễm, quan điểm định hướng trong chiến lược còn nặng về kinh tế, chưa nhấn mạnh nhiều vào bảo vệ môi trường. Nếu xây dựng chiến lược định hướng đế năm 2050 phải đưa môi trường lên đầu. Phát triển lâm nghiệp bền vững cần có sự phối hợp đa ngành. Đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ sẽ tăng gấp đôi, trong bối cảnh dịch Covid-19, thì cần xem xét lại con số để có tính khả thi, thể hiện hướng tăng lên của ngành. Về sản lượng gỗ khai thác, đến năm 2030 đạt 62 triệu m3 gỗ, tăng 3 lần so với hiện nay trong khi diện tích không có gì thay đổi là cũng khó khả thi.
Giai đoạn hiện nay, chất lượng rừng quan trọng hơn diện tích vì khả năng tăng diện tích rừng lả rất khó. Hiện diện tích rừng tự nhiên còn ít mà lại chưa được bảo vệ tốt, điều này cần được đề cập đến trong chiến lược.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Hội Chủ rừng Việt Nam đưa ra vấn đề rừng tự nhiên suy giảm về số lượng và chất lượng mà nguyên nhân chủ yếu là do chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên ra ngoài lâm nghiệp cho xây dựng thuỷ điện và trồng một số loài cây công nghiệp khác là chủ yếu. Năng suất chất lượng gỗ rừng trồng rất thấp, đóng góp của giai đoạn sản xuất lâm nghiệp còn thấp…
Ngành lâm nghiệp nói chung, rừng nói riêng có vai trò trụ cột trong bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước hay không? Lâm nghiệp sẽ được coi là ngành kinh tế, kỹ thuật góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, có phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững cả về kinh tế và xã hội được không.
“Thực tế số vụ vi phạm tăng hay giảm thể hiện công tác thực thi pháp luật và không thể hiện rõ nét về mục tiêu môi trường. Ví dụ, có thể số vụ vi phạm giảm nhưng quy mô ảnh hưởng và tác động của phạm vi lớn cũng không thể minh chứng cho việc bảo vệ và phát triển rừng tốt. Do vậy ,nên đặt mục tiêu diện tích từng loại rừng được duy trì hoặc gia tăng trữ lượng, nâng cao giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, số loại động thực vật quý hiếm đang bị đe doạ được ra khỏi danh sách đỏ hoặc không làm suy giảm thêm các loài nguy cấp…”, TS Nguyễn Quang Tân, Trưởng Đại diện Tổ chức nghiên cứu Nông lâm quốc tế tại Việt Nam phát biểu.
TS Lê Công Lương cho hay, sau hội thảo, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ có tổng hợp bằng văn bản các ý kiến tham luận gửi cho ban soạn thảo chiến lược.