<div> <p style="text-align: justify;">Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong tuần, duy nhất khu vực Tây Mỗ có 100% số ngày chỉ số AQI ở mức tốt; 4 khu vực có 6 ngày tốt, 1 ngày trung bình là: Mỹ Đình, Tân Mai, Kim Liên và Hoàn Kiếm. </p> <p style="text-align: justify;">Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông là Minh Khai và Phạm Văn Đồng, trong tuần này, chỉ số AQI chủ yếu ở mức trung bình. Chỉ số AQI cao nhất tại 2 khu vực này lần lượt là 89 và 95. </p> <p style="text-align: justify;">Đối với trạm quan trắc nội đô đặt tại Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí thay đổi theo hướng xấu đi so với tuần trước đó. Đặc biệt, tại khu vực Hàng Đậu đã xuất hiện 1 ngày chỉ số AQI ở mức kém là 104, các ngày khác ở mức trung bình... Tuần trước đó, chỉ số AQI cao nhất tại khu vực này là 78 và ở mức trung bình.</p> <p style="text-align: justify;">Riêng ngày 23-8, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Lúc 13h, chỉ số AQI dao động ở ngưỡng 13-80 và không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.</p> <p style="text-align: justify;">Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn phụ thuộc lớn vào sự thay đổi của thời tiết. Trời mưa nhiều hoặc có gió, chất lượng không khí sẽ được cải thiện tích cực; trời âm u, độ ẩm cao, đứng gió, chất lượng không khí lại kém...</p> <p style="text-align: justify;">Do đó, yếu tố quan trọng nhất để cải thiện chất lượng không khí là hạn chế các nguồn thải gây ô nhiễm như: Người dân không đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các công trình xây dựng gây bụi, bẩn, xe chở vật liệu xây dựng không che chắn, để rơi vãi ra đường; cảnh sát giao thông tăng cường điều tiết giao thông trong giờ cao điểm và ở những khu vực thường xuyên ùn tắc để hạn chế phát thải ra môi trường...</p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>