Theo y học cổ truyền, dương vật và tinh hoàn của các động vật đều thuộc về tạng thận và được gọi là “ngoại thận” (để phân biệt với “nội thận”, tức là quả thận). Chức năng của tạng thận trong đông y rất phong phú, ngoài việc bài tiết nước tiểu, nó còn liên quan đến việc sinh tủy, sinh xương, đến sinh dục và một số chức năng nội tiết khác. Trong các loại pín, được tín cẩn nhất là các loại pín động vật như cọp, ngựa, dê, chó, bò….
Pín có vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh, cường dương, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, suy giảm ham muốn tình dục, đau lưng, mỏi gối, muộn con…
Pín có thể chế biến bằng cách xào, nấu lẩu hay ngâm rượu uống. Tuy nhiên, đông y chia bệnh của tạng thận phần nhiều thuộc chứng hư, được chia làm hai thể cơ bản là thận dương hư và thận âm hư. Ngẩu pín ngựa có tác dụng chữa chứng thận dương hư, những người bị thận âm hư không được dùng.
Triệu chứng thận dương hư: Sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng gối đau mỏi, liệt dương, lãnh tinh, di tinh, xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục, tiểu tiện nhiều lần về đêm, đi tiểu không cầm được hoặc hay bị sót lại…Triệu chứng thận âm hư: Cơ thể gầy khô, hay có cảm giác nóng hâm hấp về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức bối không yên, họng khô, miệng khát, ra mồ hôi trộm; hay ù tai..
Ảnh minh họa
Cháo pín ngựa: Pín ngựa 150g rửa sạch, bóc hết sơ, thái khúc dày 1 – 2cm. Gạo 60g vo sạch cho vào 1 lít nước ninh nhừ thành cháo cho thêm gia vị. Ăn mỗi sáng 1 lần. Ăn 5 – 7 ngày có tác dụng bổ thận, ích tinh, dưỡng huyết.
Pín ngựa hầm gà: Ngẩu pín ngựa 200g đem ngâm nước nóng cho nở ra rồi loại bỏ lớp da bên ngoài, rửa sạch thái khúc. Thịt gà 100g rửa sạch, thái miếng, phi hành, gừng cho thơm rồi cho ngẩu pín và thịt gà vào đảo đều cho đến khi miếng thịt ngả màu vàng. Tiếp đó, đổ nước cho đủ gia vị và một chút rượu vang vào, đun nhỏ lửa cho đến khi ngẩu pín mềm và giòn là được, ăn nóng. Ngẩu pín ngựa được phối hợp với thịt gà, một loại thực phẩm có vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ ích ngũ tạng, bồi đắp hư tổn, kiện tỳ vị, cường gân cốt.
Rượu pín ngựa: Pín ngựa 300 – 500g, rửa sạch, bóc bỏ màng, cắt khúc. Dâm dương hoắc 20g, ba kích 20g, nhục thung dung 20g, kỷ tử 20g, đỗ trọng 20g, thỏ ty tử 20g, kỷ tử 20g, đương quy 20g, hồng hoa 10g, đào nhân 10g, đại táo 10 quả. Tất cả ngâm vào 2 – 3 lít rượu 400, ngâm sau 21 ngày là dùng được. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn. Công dụng: bổ thận, tráng dương, sinh tinh, ích tuỷ …
BS Khánh Hiển (Bệnh viện TWQĐ 108)