Cây kê còn gọi là tiểu mễ, bạch lương túc, túc cốc, cốc tử…Không chỉ sử dụng làm thực phẩm, là loại giàu dược tính nên hạt kê được sử dụng trong trị liệu nhiều bệnh.
Theo Đông y, kê có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng bổ trung ích khí, trừ được những chứng phiền khát. Cháo kê thông được tiểu tiện, chữa được chứng phiền khát vì dạ dày nóng quá. Hạt kê có tác dụng hòa trung, bổ thận, khỏe tì vị trừ nhiệt, giải độc, giải khát, lợi tiểu tiện. Chủ yếu dùng cho tì vị hư nhiệt, đau bụng nôn mửa, chống thiếu nước khi tiêu chảy.
Theo y học hiện đại, hạt kê chứa hydrat carbon, protein, lipid, Ca, P, Fe, các loại đường, sinh tố nhóm B. Đặc biệt, trong hạt kê chứa rất nhiều melatonin, chất có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và gây buồn ngủ, vì thế cháo kê là một món ăn rất bổ dưỡng giúp có được một giấc ngủ ngon.
Kê có tác dụng lợi tiểu, ngừa sỏi thận, đái tháo đường và tiêu chảy; là lương thực tốt cho người đau dạ dày và mắc chứng khó tiêu, miệng hôi, tỳ vị hư nhược. Ngoài ra, kê còn là món ăn tốt cho người bị thấp khớp, làm dịu cơn đau do sinh đẻ.
Kê hầm thịt nạc bổ âm: Kê (bỏ vỏ) 150g, thịt lợn nạc 100g, gia vị vừa đủ. Kê bỏ vỏ ninh nhừ, thịt lợn nạc thái chỉ ướp bột gia vị, xào chín cho vào quấy đều. Ăn ngày 1 lần buổi sáng lúc đói, cần ăn trong nhiều ngày.
Cháo kê lá dâu non chữa mồ hôi trộm: Kê 100g, lá dâu non 100g, gia vị vừa đủ. Kê bỏ vỏ ninh nhừ, lá dâu non rửa sạch thái nhỏ cho vào quấy đều, nêm gia vì vừa ăn.
Nước sắc kê chữa kiết kỵ: Kê để lâu năm đun với nước uống.
Cháo kê chữa lao phổi, nhiệt độ thấp, mồ hôi trộm, xương nóng: Kê dẻo, lượng vừa đủ, đun cháo ăn.
Cháo kê + củ mài chữa trẻ con bị cam tích, tiêu hóa kém: Kê 100g, một số lát khoai mài vừa đủ, đun thành cháo ăn.
Cháo kê đường đỏ chữa người già thân thể gầy yếu, phụ nữ đẻ thiếu sữa: Kê 50g đun cháo cho thêm đường đỏ đủ lượng đánh đều, ăn lúc nóng.
Kê sắc cùng bán hạ chữa tiêu hóa kém: Kê 50g, bán hạ 10 sắc để uống hàng ngày.
LY Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)