Chấn thương thể thao là điều khó tránh khỏi khi tham gia hoạt động thể thao hoặc tập luyện, thi đấu. Các chấn thương thể thao thường gặp nhiều nhất là chấn thương liên quan đến hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng…
Vừa qua, trong trận lượt về chung kết ASEAN Cup 2024, tiền đạo Nguyễn Xuân Son đã gặp một chấn thương nghiêm trọng khiến anh bị gãy xương mác và xương chày chân phải.
Điều trị đúng để sớm bình phục
Từ trường hợp của Xuân Son và nhiều ca chấn thương thể thao tương tự, nhiều người quan tâm tới việc điều trị như thế nào cho đúng hướng để người bệnh sớm phục hồi chức năng và có thể trở lại với đam mê?
Tiền đạo Nguyễn Xuân Son bị chấn thương trong trận chung kết |
BS.CKII. Võ Văn Thẳng, Trưởng Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh viện Xuyên Á (TP HCM) cho biết, các phương pháp điều trị gãy xương sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nếu gãy xương không di lệch, người bệnh thường cần bó bột và thời gian liền xương từ 16 - 24 tuần. Phương pháp này giúp cố định hai đầu xương gãy và tạo điều kiện cho xương tự lành theo thời gian.
Với các trường hợp gãy xương phức tạp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách phẫu thuật kết hợp xương mác bằng nẹp ốc, đóng đinh nội tủy kín có chốt xương chày qua vết mổ nhỏ và dưới hướng dẫn của C-arm giúp xương hồi phục nhanh hơn, người bệnh có thể sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường. Phương pháp phẫu thuật này ít xâm lấn, giúp giảm mất máu, ít đau và đảm bảo tính thẩm mỹ.
Với các trường hợp đứt dây chằng chéo trước/ sau do chấn thương thì hiện nay sẽ có các phương pháp phẫu thuật như: Sử dụng mảnh ghép từ gân bánh chè tự thân, phương pháp all in side - lấy gân tự thân, tái tạo lại thành dây chằng, rồi neo vào khớp gối bằng 2 neo.
Đặc biệt, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng, giúp rút ngắn thời gian hồi phục cũng như đảm bảo chức năng vận động được trở lại bình thường như trước chấn thương.
Phòng tránh, giảm nguy cơ chấn thương trong thể thao
Những tổn thương trong quá trình luyện tập và thi đấu là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên chúng ta có thể đề phòng và giảm nguy cơ gặp phải sự cố luyện tập bằng những kiến thức và những biện pháp hữu ích. Sau đây là một số cách phòng tránh tổn thương trong tập luyện:
-Luyện tập đúng phương pháp để tránh gây lệch hoặc tổn thương khớp.
- Uống nhiều nước, tránh để bị mất nước trong khi luyện tập vì nước giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và duy trì lượng máu ổn định và mức oxi mà cơ cần thiết để hoạt động.
- Làm nóng các cơ trước khi luyện tập giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương
- Làm nóng các cơ trước khi luyện tập giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương
-Mặc quần áo phù hợp, không gây gò bó cho các cơ, khớp khi hoạt động, thấm mồ hôi và thoáng mát.
- Khởi động kĩ trước khi luyện tập giúp cơ không bị giãn bất ngờ.
- Tăng dần cường độ hoạt động sẽ giúp cơ chắc khỏe hơn, tăng khả năng chịu áp lực hoạt động.
- Sử dụng dụng cụ thể thao phù hợp như mang giày đúng size chân,… mang các dụng cụ bảo hộ như đệm đầu gối, mũ bảo hiểm, lót ống chân, đệm khuỷu tay,…
- Không luyện tập với cường độ quá cao để tránh gây áp lực lên cơ, khớp,…
Làm nóng, khởi động kỹ để tránh chấn thương - Ảnh minh họa |
Các biện pháp xử lý khi gặp chấn thương
Các tổn thương trong thể thao được chia thành 3 loại và có các cách xử lý khác nhau.
Chấn thương phần mềm: Là các tổn thương ở cơ, gân, dây chằng.
Phương pháp chườm lạnh: bọc đá lạnh bằng túi nilon và khăn ướt để chườm bên ngoài vùng sưng trong khoảng 10 - 15 phút giúp giảm nhẹ sưng đau và viêm, giảm chảy máu, rất hữu dụng với các chấn thương nhỏ.
Phương pháp băng ép: kê cao chi bị tổn thương, phương pháp này giúp máu trở về tim tốt hơn, giảm sưng viêm.
Chấn thương khớp: Là tình trạng khớp bị xê dịch, không giống ở trạng thái bình thường. Cách xử lý là chườm lạnh và băng bất động khớp ở đúng tư thế khớp bị trật rồi đưa đến cơ sở y tế, tránh kéo nắn và xoa bóp gây tụ máu, làm cứng khớp hoặc lỏng khớp.
Sơ cứu bằng cách băng bó.
Chấn thương xương: Do tác động của lực mạnh gây gãy xương cấp tính hoặc lực tác động liên tục dần dần gây gãy xương. Khi bị gãy xương, có thể chườm lạnh để giảm sưng đau, xé bỏ phần trang phục bó quanh vùng bị thương, cố định xương gãy bằng nẹp và đưa đến bệnh viện để nhanh chóng cố định xương..