<p style="text-align: justify;"><strong>Bệnh nặng do điều trị sai</strong></p> <p style="text-align: justify;">Các bác sĩ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ vừa phẫu thuật lấy được gần 20 hạt sụn (sỏi) to nhỏ trong khớp cổ chân phải cho bệnh nhân H.V.K. (15 tuổi, Hà Giang) sau hơn 1 giờ phẫu thuật. Nguyên nhân là do cách đây hơn 2 năm bệnh nhân bị ngã gây tổn thương tại đầu dưới xương chày phải. Cho rằng chấn thương nhẹ, bệnh nhân không đi khám mà đắp thuốc Nam, sau đó thấy có khối mặt trong cổ chân phải nhưng vẫn đi lại bình thường. Cách đây 2 tuần bệnh nhân có biểu hiện đau nhiều, sưng nề vùng cổ chân phải và đi khám.</p> <p style="text-align: justify;">Kết quả chụp X-quang, siêu âm cho thấy mặt trong khớp cổ chân phải giữa gân achilles và mắt cá trong có khối u KT~05*05cm ấn đau nhiều có tiếng lạo xạo, xung quanh khối ấn mềm, đỉnh khối cứng chắc. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng u sụn màng hoạt dịch trong ổ khớp. </p> <p style="text-align: justify;">PGS.TS Trần Tung Dũng, Trưởng Phân môn Chấn thương - Chỉnh hình, Bộ môn Ngoại tại Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sỏi do u sụn màng hoạt dịch trong ổ khớp gây đau và tàn phế không phải hiếm gặp. Bệnh nhân 24 tuổi (Hà Tĩnh) bị đau khớp vai trái 5 năm điều trị Đông y như xoa bóp, bấm huyệt, chườm nóng... nhưng không đỡ, khớp vai bị cứng lại, khó vận động. Uống thuốc Tây điều trị đau khớp cũng không có kết quả, càng ngày đau càng nặng. Kết quả chẩn đoán trong khớp vai của bệnh nhân có rất nhiều sỏi và sau phẫu thuật các đã lấy được gần 200 viên sỏi có đường kính từ 0,5 – 1,5cm.</p> <p style="text-align: justify;">Theo PGS.TS Trần Trung Dũng, bệnh u sụn màng hoạt dịch là một dạng dị sản lành tính của bao hoạt dịch trong đó các tế bào liên kết có khả năng tự tạo sụn. Trong ổ khớp, các khối sụn nhỏ mọc chồi lên bề mặt, sau đó phát triển cuống và trở thành các u, các u này xơ cứng lại và được gọi là u sụn, một số rơi vào trong ổ khớp và trở thành các dị vật khớp, sự xuất hiện các dị vật trong khớp sẽ ảnh hưởng đến sự vận động của khớp và gây ra các triệu chứng như đau, hạn chế vận động theo cơ chế cơ học, viêm màng hoạt dịch gây tràn dịch khớp và thường tiến triển từ từ tăng dần gây biến chứng nặng nề ở khớp.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Phải chú ý chấn thương</strong></p> <div> <p style="text-align: justify;">PGS.TS Trần Trung Dũng cho biết, biểu hiện của u sụn màng hoạt dịch có thể khác nhau phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh cũng như vị trí khớp bị bệnh. Các triệu chứng chung của bệnh bao gồm: Đau khớp: mức độ đau tăng dần phụ thuộc vào vị trí của khối u sụn, hoặc những trường hợp rơi vào ổ khớp có thể gây đau khớp cấp tính; Kẹt khớp: là dấu hiệu thường gặp, người bệnh cảm thấy như có vật gì đó chèn trong khớp; Giảm khả năng vận động khớp: thường xuất hiện sau hoặc cùng lúc với dấu hiệu kẹt khớp sau đó tăng dần lên nếu như không được điều trị; Có các khối u, cục quanh khớp, cứng, di động hoặc không; tràn dịch khớp: thường hiếm gặp, khớp sưng to phụ thuộc vào số lượng dịch hay gặp nhất ở khớp gối; Biểu hiện viêm khớp: khớp bị bệnh sưng nóng đỏ đau nhưng thường ít gặp...</p> </div> <p style="text-align: justify;">Bệnh u sụn có 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 - 2 rất khó phát hiện, đa phần được phát hiện ở giai đoạn 3 do các u sụn đã canxi hoá gần như hoàn thành và màng hoạt dịch khớp đã ổn định, ít viêm, các triệu chứng chính của bệnh nhân chủ yếu liên quan đến các cản trở cơ học do các viên u xương sụn tự do trong khớp. Đối với độ 1, biểu hiện chủ yếu là viêm màng hoạt dịch, các biểu hiện của u sụn gần như không rõ ràng và gần như là không chẩn đoán xác định được. Đối với độ 2, biểu hiện đã hình thành các u sụn và một số đã di động tự do trong khớp nhưng màng hoạt dịch vẫn chưa ổn định, vẫn còn biểu hiện tình trạng viêm. Các u sụn có thể chưa có canxi hoá hoàn chỉnh dẫn đến không phát hiện được trên X-quang thường quy, vì vậy, có thể không xác định được chẩn đoán chính xác ngay trừ khi được thăm khám bằng siêu âm hoặc cộng hưởng từ bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.</p> <p style="text-align: justify;">Để giảm các nguy cơ mắc bệnh cần đảm bảo an toàn trong lao động và sinh hoạt tránh các chấn thương tại khớp. Cần chú ý những vi chấn thương tại khớp do vận động lặp lại một động tác quá nhiều hay thực hiện các động tác quá tầm vận động của khớp; Theo dõi và điều trị kịp thời các bệnh lý tại khớp; Tăng cường luyện tập thể dục thể thao: Vận động khớp nhẹ nhàng, đều đặn có thể giúp tăng độ dẻo dai của khớp. Bơi lội là môn thể thao phù hợp vì giúp loại bỏ trọng lực lên khớp. Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là calci và các chất khoáng.</p>