Bệnh nhận L.H.S (81 tuổi, ở Cà Mau) vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch: chân trái phù nề, phần bóng nước đã vỡ, đau dữ dội, thở mệt, khó chịu…
Nguyên nhân bắt nguồn từ chân trái có vết xước nhỏ. .Tuy nhiên, đối với người nông dân có trầy xước là chuyện rất bình thường nên ông S không quan tâm. Sau đó, chân ông đau nhức không chịu được, ông phải gọi con đưa đi khám tại cơ sở y tế địa phương. Ông S được tiêm thuốc giảm đau. Lúc này, từ cẳng chân đến gót chân đã sưng căng, đỏ ửng, nổi bóng nước. Vài giờ sau, vết rộp chuyển sang màu đen sì và đau đớn.
BS Nguyễn Duy Thái, khoa Ngoại Chấn thương, Bệnh viện Lê Vă Thịnh nhận định, bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, nghi ngờ viêm cân mạc hoại tử. Đây là một bệnh lý ít gặp, gây hoại tử lan rộng, diễn tiến rất nhanh và rầm rộ.
"Nếu chậm trễ xử lý, ông cụ có thể tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân cũng đã có dấu hiệu suy thận cấp, bạch cầu tăng cao, rối loạn điện giải. ", BS Thái nói.
Ngay lập tức, ê-kip đã mổ khẩn cấp, rạch giải áp, cắt lọc toàn bộ cân và mô dưới da đã bị hoại tử. Vết thương sau đó phải để hở, sử dụng kháng sinh phổ rộng bao vây. Một tuần sau, tiếp tục dùng kỹ thuật áp lực âm để dẫn lưu dịch vết thương, kết hợp cắt lọc.
Đồng thời, bệnh viện cũng tiến hành cấy tìm vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên vẫn chưa xác định được chính xác tác nhân.
Theo BS Thái, rất có khả năng ông S. bị vi khuẩn hiếm gặp tấn công khi xuống vuông tôm làm việc. Môi trường nước nuôi tôm có nhiều vi sinh vật cư ngụ, vết thương hở là điều kiện để vi khuẩn tấn công, gây ra viêm cân mạc hoại tử.
Theo các tài liệu y khoa, viêm cân mạc hoại tử là một dạng nhiễm khuẩn sâu dưới da hiếm gặp, tiến triển rất nhanh do độc tố của vi khuẩn gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.
Nhóm các vi khuẩn gây ra tình trạng trên từng được biết đến với tên "vi khuẩn ăn thịt người" (Flesh-eating bacteria). Tuy nhiên, giới chuyên môn khẳng định đây chỉ là một cách diễn đạt, thực tế không có vi khuẩn nào ăn thịt người theo nghĩa đen.