Chẩn đoán đái tháo nhạt

(khoahocdoisong.vn) - Đái tháo nhạt là một rối loạn đặc trưng bởi khát mãnh liệt và sự bài tiết của lượng lớn nước tiểu. Trong hầu hết trường hợp, đái tháo nhạt là kết quả của cơ thể không sản xuất, lưu trữ hoặc phát hành một hormon quan trọng, nhưng đái tháo nhạt cũng có thể xảy ra khi thận không thể đáp ứng đúng hormon đó. Việc chẩn đoán đái tháo nhạt không khó.

Theo TS.BS Đỗ Đình Tùng, Viện Phó Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, có thể dựa vào các triệu chứng sau đây để xác định bệnh:

Bệnh nhân uống nhiều, đái nhiều, khát.

Tỷ trọng nước tiểu thấp < 1,010, mất khả năng cô đặc nước tiểu.

Một số nghiệm pháp chẩn đoán được áp dụng như nghiệm pháp nhịn nước để chẩn đoán phân biệt đái tháo nhạt thực sự và đái tháo nhạt do căn nguyên tâm thần.

Cách tiến hành, để bệnh nhân nhịn uống nước hoàn toàn đến khi không còn chịu được nữa. Thông thường sau 6 - 8 giờ trọng lượng cơ thể giảm 3 - 5%. Chú ý không để cho bệnh nhân đi vào tình trạng rối loạn nước và điện giải nặng.

Nếu đái tháo nhạt do tâm thần thì sẽ có biểu hiện số lượng nước tiểu giảm, tỷ trọng nước tiểu tăng > 1,020. Không có tình trạng mất nước nặng. Không có tình trạng cô máu. Nếu đái tháo nhạt thực thể thì sẽ có biểu hiện như bệnh nhân không thể chịu đựng được khát, biểu hiện mất nước và điện giải rõ, bệnh nhân đái nhiều, tỷ trọng nước tiểu giảm < 1,010 và có hiện tượng cô máu.

Nghiệm pháp tiêm dung dịch muối ưu trương, mục đích để phân biệt chứng uống nhiều và đái tháo nhạt do thần kinh. Dung dịch muối ưu trương làm tăng áp lực thẩm thấu do đó kích thích tăng tiết ADH. Cách tiến hành, buổi sáng cho bệnh nhân uống nước với số lượng 20ml/kg, sau uống 30 phút đặt sonde bàng quang và lấy nước tiểu đo số lượng và tỷ trọng 15 phút/ lần, sau 2 lần lấy nước tiểu đầu tiên, truyền tĩnh mạch dung dịch NaCl 2,5% với liều lượng 0,21ml/kg, sau đó tiếp tục lấy nước tiểu. Nếu đái tháo nhạt do tâm thần thì sau 30 phút tiêm, số lượng nước tiểu giảm, tỷ trọng tăng. Nếu bệnh nhân đái tháo nhạt thực sự sẽ không có sự thay đổi. Ngoài ra còn biện pháp nghiệm pháp dùng hypothiazid. Bệnh nhân uống hypothiazid, nếu là đái tháo nhạt thực sự thì lượng nước tiểu giảm, ngược lại nếu là do các nguyên nhân khác thì lượng nước tiểu lại tăng.

Theo các chuyên gia, đái tháo đường dễ nhầm với đái tháo nhạt vì bệnh nhân cũng uống nhiều, khát, tiểu nhiều, sút cân, nhưng trong đái tháo đường có đường máu tăng, đường niệu tăng, tăng tỷ trọng nước tiểu, cường aldosterol tiên phát: bệnh thường có đái nhiều, song số lượng nước tiểu ít hơn, yếu cơ, bán liệt; huyết áp cao, chuột rút, giảm kali máu. Bệnh nhân suy thận mạn cũng tiểu nhiều, số lượng nước uống và nước tiểu ở mức độ vừa, thường < 4 lít/ngày. Các biểu hiện của suy thận như urê, creatinin máu cao, thiếu máu, huyết áp cao, tăng canxi máu (nếu canxi máu tăng thường đưa đến uống nhiều, đái nhiều, rối loạn cơ chế cô đặc).

Theo Đời sống
back to top