Những nỗi đau âm ỉ
Hội Thầy thuốc Trẻ TPHCM đã tổ chức nhiều chuyến chăm sóc thể chất, tinh thần cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 tại TPHCM.
TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc Trẻ TPHCM, bộc bạch, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người trên thế giới.
"Bao gia đình tang thương, mất mát. và trong một thời gian rất ngắn, những bé đột ngột mất cha, mất mẹ, hoặc mất hết tất cả người thân. Đau lòng nhất là nhìn ba, mẹ của mình thở từng hơi rồi qua đời ngay trong nhà, ngay trước mắt mình," TS.BSCKII Phan Minh Hoàng chia sẻ.
Thấu hiểu nỗi đau các em bé mồ côi đang gánh phải, Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM đã kết hợp với UBND huyện Bình Chánh và các tấm lòng hảo tâm bảo trợ, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho tất cả 199 bé mồ côi trên địa bàn huyện Bình Chánh, đến 18 tuổi.
Mỗi bé sẽ được hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng tiền mặt, và 1 phần quà trị giá 500 nghìn. Các y bác sĩ sẽ đến tận nhà, thăm khám, tư vấn dinh dưỡng, tâm lý, làm hồ sơ bệnh án, cập nhật vào bệnh án điện tử. Mỗi bé sẽ có 1 bác sĩ riêng, sẵn sàng tư vấn cho bé và gia đình, cập nhật thường xuyên vào bệnh án điện tử.
Hội Thầy thuốc Trẻ TPHCM sẽ phối hợp với Hội doanh nhân Việt Nam, Hội Phụ nữ TPHCM, vận động kinh phí chăm sóc cho hơn 1500 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM (trung bình 18triệu đồng/năm /bé).
Trong đó, hơn 600 học sinh tiểu học, 700 học sinh THCS và hơn 200 đối tượng khác. Những ảnh hưởng đó đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục một thử thách lớn trong việc đồng hành và giáo dục các em.
Dìu con trẻ qua những nỗi đau
Mới đây, Phòng GD&ĐT Quận 3 đã phối hợp với Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức tập huấn trực tuyến với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh trong mùa dịch Covid-19” cho hơn 800 giáo viên chủ nhiệm các trường tiểu học và THCS của quận.
Theo ThS. Nguyễn Thị Diễm My, giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TPHCM, khi có người thân mất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có trẻ khóc để thể hiện cảm xúc buồn bã, có trẻ không khóc.
Hầu hết các trẻ sẽ bất an lo lắng về tương lai, không còn được cha mẹ đưa đi học, không còn ai sẽ ôm con ngủ, cuộc sống của con rồi sẽ thế nào...
Nếu được giáo viên, người lớn xung quanh quan tâm nâng đỡ, trẻ sẽ hồi phục. Nếu không, trẻ sẽ chuyển qua các rối loạn tâm lý ở các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Trẻ né tránh những tình huống, hoạt động, đia điểm, những người kích thích nhớ lại cha mẹ qua đời; thay đổi tiêu cực về niềm tin và cảm xúc, cảm giác không được yêu thương, dẫn đến tuyệt vọng, trầm cảm, dễ cáu kỉnh, bùng nổ các cơn giận…
Từ đó, trẻ có thể lạm dụng chất gây nghiện, rượu, bia, thuốc an thần, tự xâm hại bản thân, thậm chí tự tử để trốn tránh nỗi đau buồn.
TS.BSCKII Phan Minh Hoàng nhấn mạnh, các con sẽ được chăm sóc sức khỏe và phát triển tốt nhất có thể về đạo đức, trí tuệ, nghị lực, trở thành một người tốt, một người hạnh phúc, có ích cho xã hội.