Chấm dứt đốt vàng mã: Cần nhiều thời gian

Câu chuyện đốt vàng mã lại được dư luận đặc biệt quan tâm khi mới đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn 31 đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Cần nhiều thời gian để người dân bỏ đốt vàng mã (ảnh minh họa).

Ngay lập tức, nhiều người nhắc lại nội dung Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” được ban hành năm 2013 có nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000đ đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa”.

Có thể thấy, yếu tố “không đúng nơi quy định” trong Nghị định 158 có thể khiến các nhà quản lý lúng túng, bởi lẽ, “không đúng nơi quy định” trong vấn đề này cần được cụ thể hóa hơn nữa. Thực tế, người dân không chỉ đốt vàng mã ở nơi thờ tự, mà còn đốt vàng mã tự do, đốt khắp nơi, vào nhiều dịp khác nhau như ngày rằm, ngày giỗ, các dịp lễ hội truyền thống trong năm như xá tội vong nhân, lễ hóa vàng đầu năm, thanh minh, tảo mộ…

Vì vậy, Công văn 31 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề cập đến việc bỏ đốt vàng mã là cần thiết. Ngoài lý do nhằm hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan, bừa bãi, khiến không ít “không gian công cộng” ngột ngạt, ô nhiễm mà còn gây lãng phí lớn cho xã hội.

Theo một số liệu thống kê, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm.

Nếu trước đây, vàng mã chỉ được xem như hành động tượng trưng thì tới thời điểm hiện tại mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000 – 50.000đ/lễ. Với gia đình khá thì sắm lễ từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu, thậm chí còn hơn là chuyện không hiếm.

Cũng từ con số kể trên, có thể thấy rằng số lượng cơ sở làm hàng mã chắc chắn không hề nhỏ. Vì thế, cũng cần phải quản lý chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Cùng với công tác quản lý, việc tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” mới hy vọng có thể thay đổi theo hướng tích cực một thói quen từ rất lâu của rất nhiều người, nhiều nhà.

Phạm Huy Thông

(theo Thethaovanhoa.vn)

Theo Đời sống
back to top