2 nhà hóa học từ Đại học Copenhagen thực hiện một nghiên cứu, xác định những chất hóa học nào giải phóng vào chất lỏng trong các loại chai nhựa mềm tái sử dụng phổ biến.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Hazardous Materials.
Jan H. Christensen, GS Hóa học và TS Selina Tisler tại Khoa Thực vật và Môi trường thuộc Đại học Copenhagen cho biết, nhóm nghiên cứu phát hiện một lượng lớn các chất hóa học trong nước sau 24 giờ đựng trong chai. Sau khi rửa chai lại có đến hàng nghìn chất hóa học khác.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 3 loại bình đựng đồ uống khác nhau, có thể dễ dàng mua từ các cửa hàng Đan Mạch. 2 trong số các chai làm bằng nhựa phân hủy sinh học. Nhóm nghiên cứu thẩm định cả chai mới và chai đã qua sử dụng. Các nhà khoa học kiểm trả các chai trước và sau khi rửa bằng máy, sau đó lần lượt 5 lần rửa thêm bằng nước máy.
Các nhà hóa học sử dụng phương pháp sàng lọc không mục tiêu (NTS) bằng kỹ thuật sắc ký lỏng (LC) và kỹ thuật khối phổ, sàng lọc tất cả các chất có mặt trong chất lỏng.
Trong nghiên cứu đã phát hiện hơn 400 hóa chất khác nhau từ nhựa chai và hơn 3.500 chất có nguồn gốc từ xà phòng rửa bát. Một phần lớn là những chất vẫn chưa xác định được. Trong số các hóa chất đã xác định, độc tính của ít nhất 70% chưa được biết.
Đặc biệt, trong nước các chai nhựa tái sử dụng có những chất quang hóa, có thể gây hại cho sức khỏe sinh vật như gây rối loạn nội tiết và gây ung thư. Ngoài ra còn có nhiều loại hóa chất làm mềm nhựa, chất chống oxy hóa, chất chống bám dính được sử dụng trong sản xuất nhựa và diethyltoluamide (DEET) hoạt chất trong thuốc xịt muỗi.
Hầu hết các hóa chất rò rỉ từ chai nước và còn lại sau quá trình rửa máy và tráng nước máy. Trong các chai mới có thể tái sử dụng, có gần 500 chất khác nhau có trong nước sau khi rửa. Hơn 100 chất thải ra từ chính nhựa.
Các nhà sản xuất chai lọ nhựa tái sử dụng chỉ thêm một tỷ lệ nhỏ những chất hóa học có chủ ý. Phần lớn các chất khác thâm nhập vào chai trong quá trình sản xuất hoặc trong sử dụng, hoặc chuyển hóa từ các chất khác. Ví dụ như sự hiện diện của chất diệt muỗi DEET, có thể là kết quả khi những chất làm mềm nhựa bị phân hủy, sẽ chuyển đổi thành DEET.
Kết quả nghiên cứu phản ánh sự thiếu hụt nghiêm trọng về kiến thức và quy định đối với các loại chai lọ nhựa tái sử dụng. Có rất ít kiến thức về những hóa chất thải ra từ những sản phẩm nhựa đựng thực phẩm và đồ uống. Đồng thời, vấn đề chung là các quy định đo lường trong quá trình sản xuất rất dễ dàng kể cả ở Đan Mạch và quốc tế.
Theo các nhà hóa học, cần có những quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho các nhà sản xuất. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng, những nhà sản xuất cần phải hiểu rõ những loại hóa chất được sử dụng để đảm bảo độ an toàn sử dụng cao nhất.