CEO Trần Minh Tuấn: Hiểu thị trường giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững

Metric - Nền tảng Số liệu Thương mại Điện tử vừa được vinh danh trong top 12 Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Người đồng sáng lập, CEO Trần Minh Tuấn của Metric trò chuyện với KH&DS về hiệu quả ứng dụng Big Data, AI trong kinh doanh.

Làm thế nào để “biết mình biết ta”, phân tích được đối thủ, xác lập thị trường, nhắm trúng nhu cầu khách hàng, tiết kiệm chi phí, chiếm lợi thế cạnh tranh,… tiến tới thành công trong kinh doanh?

Theo CEO Trần Minh Tuấn, Metric với các công cụ phân tích số liệu thương mại điện tử thông qua ứng dụng Big Data (công nghệ dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ là câu trả lời giúp các doanh nghiệp giải bài toán đầu tư, kinh doanh.

Thông tin là sức mạnh của doanh nghiệp

Chúc mừng Metric một lần nữa bước lên bục vinh danh! Để tới được vinh quang hôm nay, Metric khởi đầu và nỗ lực như thế nào?

Metric là sản phẩm của Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu, nơi tập hợp những kỹ sư khoa học, lập trình viên nhiều kinh nghiệm. Đội ngũ sáng lập Metric từng start-up với nhiều ý tưởng trước đây nhưng chưa thật sự đạt được thành công như kỳ vọng.

Sau nhiều lần vấp ngã, năm 2019, Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu được thành lập với mục tiêu trở thành "Google cho Thương mại Điện tử" tại Việt Nam và Đông Nam Á. Tiền thân của Metric là ứng dụng BeeCost đạt 5 triệu lượt truy cập website so sánh giá và hơn 100.000 lượt hỗ trợ mua sắm hàng tháng, được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người mua sắm thông minh.

Năm 2021, cơ sở dữ liệu về thị trường mua sắm của Metric ra đời, nhằm đối mặt những khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại. Ấn tượng với cơ sở dữ liệu khổng lồ này, chủ nhân cũ của tên miền Metric.vn gửi tặng cho nhóm sáng lập với mong muốn sản phẩm sẽ đến với mọi doanh nghiệp Việt Nam. Đó chính là cơ sở nền tảng phân tích số liệu E-commerce đầu tiên tại Việt Nam dựa trên công nghệ Big Data ra đời.

Có nhiều ý tưởng sáng tạo công nghệ, tại sao các bạn lại chọn nghiên cứu, xây dựng và khai thác dữ liệu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam?

Thương mại điện tử có tốc độ phát triển mạnh mẽ thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, khi hành vi tiêu dùng chuyển dịch sang online tăng hơn bao giờ hết. Từ xuất phát điểm thấp, ở mức khoảng 4 tỷ USD năm 2015, quy mô của thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD và dự kiến là 57 tỷ USD năm 2025 (theo Google) với mức tăng trưởng trung bình cao nhất Đông Nam Á, 20 - 30%.

Nhìn thấy tiềm năng của eCommerce và nền kinh tế số tại Việt Nam nói chung, kết hợp với thế mạnh về xử lý dữ liệu lớn của đội ngũ sáng lập, chúng tôi quyết định khai phá mảng nghiên cứu, xây dựng nền tảng phân tích số liệu thị trường thương mại điện tử.

Chúng tôi tin rằng, thông tin là nguồn sức mạnh trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của xã hội. Sức mạnh công nghệ dữ liệu lớn sẽ mang tới những thông tin chính xác, thấu hiểu thị trường, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên số.

Với sự phát triển của AI, con người có thể dễ dàng tìm thấy dữ liệu trên Google. Vậy, sao khách hàng phải tìm tới Metric?

Là nền tảng phân tích số liệu E-commerce dựa trên công nghệ lõi Big Data tự phát triển, hệ thống phân tích số liệu của Metric được cập nhật liên tục, không giới hạn về số ngành hàng hay dòng sản phẩm trên toàn sàn thương mại điện tử cả nước (Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Tiktok Shop…) và quốc tế (Taobao, Tmall, 1688).

Nhờ vậy, Metric có khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu thị trường theo cả chiều rộng và sâu. Mỗi ngày, hệ thống của Metric xử lý hơn 10 terabyte dữ liệu và liên tục tổng hợp thông tin cập nhật của hơn 350 triệu thông tin sản phẩm, 8 tỷ điểm lịch sử số liệu.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc tìm kiếm số liệu nhỏ lẻ có thể nhiều đơn vị thực hiện được, nhưng ở quy mô lớn, theo cả chiều rộng và chiều sâu dữ liệu một cách có hệ thống, sẽ cần tới đơn vị như Metric. Phải có chuyên môn sâu về phân tích và xử lý dữ liệu lớn mới có thể đảm bảo tính chính xác, đầy đủ của số liệu. Đây là điều mà các doanh nghiệp thực sự cần trong quá trình đưa ra quyết định kinh doanh của mình.

Giảm rủi ro, quyết định trúng

Cụ thể khách hàng sẽ bị thuyết phục bởi điều gì khi sử dụng gói phân tích dữ liệu của Metric?

Lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại Việt Nam hiện thống trị bởi những tập đoàn đa quốc gia cung cấp dịch vụ với chi phí cao và chủ yếu hướng tới doanh nghiệp quốc tế quy mô lớn. Báo cáo thị trường của các đơn vị này thường bị giới hạn và tập trung một số ngành hàng nhất định với phương pháp nghiên cứu/khảo sát thị trường theo hình thức truyền thống, bị giới hạn bởi nguồn nhân lực và thời gian kéo dài.

Trong khi đó, với thế mạnh về Big Data, AI, Metric giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách chủ động, nhanh chóng nguồn dữ liệu thương mại điện tử chính xác, khách quan với chi phí thấp hơn 25 lần so với phương pháp truyền thống. Nghĩa là, khi sử dụng nền tảng Metric.vn, khách hàng sẽ có báo cáo thị trường thực tế, chi tiết theo nhà bán, thương hiệu, dòng sản phẩm,… chỉ trong 30 giây!

Ngoài thống kê thị trường theo doanh số, sản lượng, ngành hàng, phân khúc giá, thương hiệu và nhà bán, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và đánh giá được hành động của đối thủ trên thị trường để có điều chỉnh phù hợp cho chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ vậy, Metric hiện được khách hàng sử dụng hàng ngày như một công cụ thiết yếu cho các hoạt động: R&D sản phẩm mới, Chiến lược Kinh doanh & Đầu tư, Chiến lược Marketing và Tối ưu vận hành Kinh doanh…

Nghĩa là Metric phải liên kết với các đối tác để có nguồn thông tin chính xác?

Với công nghệ Big Data, Metric có khả năng thu thập liên tục dữ liệu công khai của các sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam một cách độc lập, không qua đơn vị trung gian. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác của số liệu thị trường.

Là kho số liệu thị trường điện tử duy nhất có 3 năm lịch sử số liệu eCom cùng độ phủ dữ liệu lên tới 99%, chúng tôi luôn nỗ lực bổ sung những tiêu chí bộ lọc và kỹ thuật nhằm đảm bảo độ chính xác lên tới 95%. Nhờ vậy, từ khi thành lập đến nay, chúng tôi hợp tác sâu với Hiệp hội Thương mại Điện tử VECOM nhằm liên tục đối chiếu số liệu và phối hợp phát triển thương mại điện tử tại các tỉnh thành, hỗ trợ doanh nghiệp làm quen số liệu thị trường.

Gần nhất, cuối tháng 8/2023, chúng tôi ký kết hợp tác với Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử (thuộc Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cùng nghiên cứu, xây dựng, khai thác dữ liệu về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, hợp tác trong quảng bá, tuyên truyền lợi ích của dữ liệu thống kê thương mại điện tử Việt Nam. Điều này càng khẳng định nguồn số liệu thị trường chính xác do Metric cung cấp không những hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, mà còn có khả năng đóng góp vào việc ra quyết sách của những nhà làm luật, kiến tạo môi trường phát triển eCom lành mạnh, bền vững.

Hiện có những nhóm đối tác, thương hiệu nào là khách hàng của Metric?

Thời gian qua, chúng tôi có cơ hội đồng hành và nhận được nhiều hỗ trợ từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam VECOM. Đồng hành cùng các hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại các vùng miền bằng phân tích dữ liệu đã giúp chúng tôi củng cố nhận định đúng về đường hướng của mình.

Trong hành trình này, Metric có cơ hội được đồng hành cùng hơn 1.000 thương hiệu và nhà bán hàng đầu trên sàn thương mại điện tử như Unilever, Panasonic, Tiki, Thế giới di động, Sun House, Guardian, Bayer, Shiseido, Thiên Long… Sự hợp tác này cũng giúp đội ngũ Metric thấu hiểu nhu cầu thực tế và quay lại tối ưu sản phẩm/ dịch vụ ngày một hoàn thiện hơn.

Có lẽ điều mà khách hàng quan tâm bây giờ là giá của gói sản phẩm?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97% số doanh nghiệp cả nước (theo Tổng cục Thống kê) với nguồn vốn và nguồn nhân lực hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm hoạt động năng nổ nhất trên eCom.

Dựa trên đặc thù này, gói phần mềm cơ bản phân tích dữ liệu của Metric được thiết kế giúp doanh nghiệp SMEs tối ưu chi phí và vận hành, giá dao động từ 1,5 đến 48 triệu, tùy nhu cầu và thời gian sử dụng. Với các doanh nghiệp lớn có nhu cầu sâu hơn, dịch vụ thông tin dữ liệu thiết kế theo yêu cầu có chi phí cao hơn gói cơ bản nhưng đảm bảo tốc độ xử lý dữ liệu nhanh chóng chính xác. Nhờ đó, giúp các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp trúng đích và giảm thiểu rủi ro phát sinh.

Thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh

Là chuyên gia nghiên cứu, xây dựng, khai thác dữ liệu về thương mại điện tử Việt Nam, ông nhận định gì về thị trường này trong tương lai gần?

Tôi tin rằng Việt Nam vẫn sẽ có tốc độ phát triển thương mại điện tử thần tốc trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới như chúng ta đang thể hiện trong 5 năm gần đây. Với chính sách cởi mở và đang được gấp rút hoàn thiện của các cơ quan Nhà nước, tôi tin rằng môi trường hoạt động của các doanh nghiệp eCom ngày càng minh bạch. Điều này rất quan trọng, giúp các dữ liệu thị trường giữ được tính chính xác, là cơ sở cho tất cả đơn vị liên quan hoạt động hiệu quả.

Cơ quan Nhà nước ra chính sách phù hợp, nhà bán có chiến lược kinh doanh thành công và người mua sở hữu thông tin chính xác về sản phẩm trên những kênh mua sắm online, giảm thiểu rủi ro vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử và chuyển dịch thói quen mua sắm tiêu dùng qua mạng thúc đẩy sự nở rộ của nhiều hình thức mua bán online hơn, giúp ngành tăng trưởng. Điển hình shopertainment và livestream là những xu hướng mới vẫn đang thống trị toàn cầu.

Đồng thời, chứng kiến sự gia tăng các mô hình hỗ trợ kinh doanh online mà Metric chỉ là một trong số rất nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo tham gia vào quá trình này. Đây là cơ hội thực sự lớn dành cho những đơn vị tham gia thị trường thương mại điện tử, nhưng cũng là thách thức khiến các doanh nghiệp, tổ chức cần nỗ lực chuyển mình nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn để ứng biến trong nền kinh tế số thay đổi từng giây.

Metric có lời khuyên gì với các doanh nghiệp startup?

Là doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo và trải qua hơn 5 năm phát triển, chúng tôi nhận thấy có một số điểm quan trọng dành cho doanh nghiệp startup. Đầu tiên, các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ giải quyết một vấn đề thực sự trong thị trường. Do vậy, doanh nghiệp cần đầu tư phân tích thị trường kỹ lưỡng. Xác định cơ hội thị trường và những lợi thế cạnh tranh để có cơ hội dẫn đầu trong ngành.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng phát triển đội ngũ phù hợp, có am hiểu và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực liên quan.

Thứ ba, do thị trường luôn biến đổi nhanh chóng, điều quan trọng là cần linh hoạt và thích nghi với sự thay đổi, luôn cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ để duy trì sự cạnh tranh. Hành trình phát triển doanh nghiệp không bao giờ dễ dàng, vì vậy founders và đội ngũ cần rèn luyện sự kiên trì, sẵn sàng học hỏi từ sai lầm để đưa doanh nghiệp tăng trưởng.

Ông đánh giá thế nào về thị phần các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là top 4. Sự bám đuổi, soán ngôi của những doanh nghiệp này nói lên điều gì?

Sự bám đuổi và tranh giành thị phần của các sàn thương mại điện tử là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Trong đó, điều đáng mừng là doanh số của toàn thị trường vẫn tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 46% trong nửa đầu năm 2023 (theo Báo cáo thị trường sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2023 do Metric phát hành tháng 7 vừa qua), bất chấp dự báo về 1 năm kinh tế khó khăn chung. Điều thú vị là, thay vì nói “soán ngôi” doanh số, thị phần, tôi cho rằng, các đơn vị đang triển khai tốt nhất ở mô hình kinh doanh của họ.

Với Tiktok Shop, họ có lợi thế dẫn đầu mô hình Shopertainment (giá trị cốt lõi là niềm vui cho người dùng và người dùng có thêm lựa chọn mua hàng), khác biệt với toàn bộ sàn thương mại điện tử còn lại (chỉ tập trung khách hàng truy cập vào sàn với mục tiêu mua hàng). Vì thế, dễ hiểu khi đơn vị này có sự bứt tốc mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 1 năm. Tuy nhiên, sâu xa hơn, nếu có chiến lược đúng đắn với mô hình kinh doanh đã chọn, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn có cách để tăng trưởng, nở cùng quy mô thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn!

“Chúng tôi tin rằng, thông tin là nguồn sức mạnh trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của xã hội”, CEO Trần Minh Tuấn.

CEO Trần Minh Tuấn sinh năm 1996, là giảng viên, chuyên gia Khoa học Dữ liệu. Trần Minh Tuấn từng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và là tác giả của nhiều bằng sáng chế về phân tích xử lý văn bản tiếng Việt.

Có hơn 7 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu lớn, đoạt Giải bạc Nhân tài Đất Việt 2018, Trần Minh Tuấn cùng các đồng nghiệp Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu đã đưa Metric giành Giải Bạc chương trình Make in Vietnam 2022 (của Bộ Thông tin và Truyền thông), Top 12 Giải pháp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2023 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo Đời sống
back to top