Trâu cổ còn được gọi là cây xộp, vẩy ốc, bị lệ... Là loại dây leo mọc bò, rễ bám trên bờ tường hay cây cổ thụ. Toàn thân có nhựa mủ trắng. Ở các cành có rễ bám thì lá nhỏ, không có cuống, gốc lá hình tim, nhỏ như vẩy ốc nên có tên là cây vỏ ốc. Các cành nhánh không có rễ bám, mọc tự do có lá lớn hơn, lá có cuống dài, mặt lá ráp. Chỉ ở các cành này mới có hoa và quả.
Người ta thường dùng quả (bị lệ thực, vương bất lưu hành), cành mang lá, quả non phơi khô (bị lệ lạc thạch đằng) để làm thuốc. Trong vỏ quả chứa đến 13% chất gôm, khi thủy phân cho các đường đơn: glucose, fructose, arabinose. Thân và lá có mesoinositol, B sitosterol, taraxeryl acetate, B amyrin...
Quả có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tráng dương, có tinh, lợi thấp, thông sữa. Dùng làm thuốc bổ, chữa di tinh, liệt dương, đau lưng, lỵ lâu ngày, kinh nguyệt không đều, viêm tinh hoàn, viêm tiền liệt tuyến, u xơ tiền liệt tuyến, phong thấp, ung thũng, thoát giang (lòi dom), tắc tia sữa và đái ra dưỡng chấp.
Thân và rễ hơi đắng, tính bình, có tác dụng khu phong, hoạt huyết, giải độc, dùng chữa phong thấp tê mỏi, sang độc ung nhọt và kinh nguyệt không đều. Lá có vị chua chát, tính mát, có tác dụng tiêu thũng, giải độc. Dùng chữa viêm khớp xương, nhức mỏi chân tay, đòn, ngã, tổn thương, mụn nhọt, đinh sang, ngứa lở...
Một số bài thuốc có dùng trâu cổ:
Quả trâu cổ 40g, bồ công anh 15g, mã đề 20g, sắc uống chữa viêm tiền liệt tuyến, u xơ tiền liệt tuyến, viêm đường tiết niệu. Hoặc quả trâu cổ 30g, khổ sâm 20g, cam thảo dây 6g sắc uống trong ngày một thang chia 2 – 3 lần, uống trong ngày.
Thân, cành, rễ trâu cổ 30g, cam thảo dây 6g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 -3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng chữa viêm đường tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, u xơ tiền liệt tuyến...
TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh (Phó chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm)