Biến chứng khi tiêu mỡ, giảm béo ở những thẩm mỹ viện
Chị A. (29 tuổi, ngụ TPHCM) từng nhập Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM do những biến chứng nặng sau khi sử dụng thuốc tan mỡ bụng. Không những bị nhiễm trùng tại chỗ tiêm, chị còn bị hoại tử ở đùi, lưng…
Bệnh nhân này đã trải qua hơn 5 tháng ròng rã điều trị tại khoa Phỏng - Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, với rất nhiều đợt phẫu thuật, hút áp lực âm (V.A.C), kết hợp kháng sinh toàn thân, nâng đỡ tổng trạng (bù máu, đạm…), sử dụng băng gạc tiên tiến và hỗ trợ tâm lý để điều trị biến chứng do tiêm thuốc tan mỡ.
Chị A. cho biết, đây là một "thẩm mỹ viện quốc tế" rất khang trang nằm ngay quận 1, nên chị rất yên tâm về chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, cơ sở này đã quảng cáo rất thu hút "giảm mỡ từ trong nội tạng", hay chỉ với một liệu trình tiêm duy nhất, "một giấc ngủ say, đánh bay rổ mỡ"…
Chị đã được tiêm dung dịch pha loãng vào 4 vị trí ở bụng, hông, nhưng không rõ liều lượng và loại dung dịch gì chỉ biết đã được nhân viên tại đây quảng cáo là thuốc tan mỡ nhập từ Anh về.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, thuốc tan mỡ này ban đầu được tiêm ở hông và bụng, sau đó lan ra cả phần lưng, lấn vào cơ quan sinh dục.
Thuốc không chỉ làm tan tế bào mỡ mà còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh. Từ đó, tạo ra những u mỡ tại chỗ, gây viêm mô tế bào, tạo sẹo vĩnh viễn, gây đau nhức…
Thậm chí, thuốc tan mỡ còn ảnh hưởng đến các chất giúp lành thương nên vết thương rất chậm hồi phục, hoại tử lan rộng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và thậm chí cả tính mạng.
Theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tiêm giảm mỡ dưới da là một phương pháp xâm lấn tối thiểu tiềm năng để điều trị các vấn đề về tích tụ mỡ khu trú ở một số vùng trên cơ thể. Chỉ định duy nhất được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận là tiêm giảm mỡ vùng nọng cằm trung bình đến nặng.
Các chỉ định khác đều chưa được FDA chấp thuận. Chỉ định tiêm giảm mỡ ở các vùng mỡ thừa khác ở mặt như: má, ngạnh hàm là chỉ định off-label, tuy nhiên phải tùy theo chỉ định cũng như thực hiện và theo dõi sát từ các bác sĩ lâm sàng.
Thường thành phần chính của thuốc tan mỡ là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ deoxycholate natri (DC) - một loại muối mật. Tên thương mại của thuốc tan mỡ là Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure.
Dù được khẳng định là thiếu an toàn, nhưng thuốc tan mỡ vẫn được lưu hành tại một số nước châu Âu, chuyên dùng để chữa chứng thuyên tắc mạch máu phổi do mỡ, rối loạn lipid máu.
Khi tiêm vào các mô mỡ, thuốc sẽ dần phá hủy các tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương. Lợi dụng những đặc tính của Lipostabil, một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp đã quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" giúp làm tan mỡ trên cơ thể.
Trước những biến chứng nguy hiểm của thuốc tan mỡ, ngày 7/4/2010, FDA, Bộ Y tế Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia… từng cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ.
Sợi siêu hủy mỡ giảm béo, có thật không?
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Trưởng Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết, hiện nay, nhiều nơi không phải là bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hay da liễu - thẩm mỹ, đã quảng cáo về các phương pháp giảm béo như cấy sợi siêu hủy mỡ giảm béo. Tuy nhiên, cho tới nay không hề có “sợi siêu hủy mỡ” trong y văn chính thống.
Tại những cơ sở này, hiệu quả gọi là “giảm béo” có thể là do khi cấy sợi vào người giúp làm căng các nếp nhăn da, một số loại sợi có tác dụng kích thích tăng sinh mô nâng đỡ da, từ đó tạo cảm giác da săn chắc hơn, dẫn đến cảm giác giảm béo.
Phương pháp cấy chỉ hay cấy sợi này thật ra không hề có tác động trực tiếp lên việc phá huỷ các tế bào mô mỡ. Nguy hiểm nhất là có khi không rõ thành phần cấu tạo các loại vật liệu được đưa vào người.
ThS.BS Trần Viết Thắng, Phó trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), béo phì là bệnh lý mạn tính. Việc điều trị béo phì cần phối hợp nhiều chuyên khoa như Nội tiết, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng và Tâm lý…
Các phương pháp điển hình thường áp dụng cho người bệnh béo phì như thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày.
Khi biện pháp thay đổi lối sống không hiệu quả, người bệnh béo phì có chỉ số BMI từ 30 trở lên hay từ 27 trở lên kèm bệnh lý khác đi kèm sẽ được chỉ định dùng thuốc. Các thuốc điều trị béo phì có thể tác dụng vào hệ thần kinh trung ương, chủ yếu có tác dụng làm chán ăn hoặc tác dụng trên đường tiêu hóa làm giảm hấp thu.
Chia sẻ về phương pháp phẫu thuật trong điều trị béo phì, TS.BS Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, BV ĐHYD TPHCM cho biết, phương pháp này dành cho người bệnh có BMI từ 35 trở lên (đối với người châu Á). Phương pháp này chỉ áp dụng khi các phương pháp điều trị nội khoa, thay đổi lối sống không hiệu quả.
Có 2 loại phẫu thuật phổ biến. Thứ nhất là phẫu thuật cắt bớt dạ dày để làm giảm cảm giác thèm ăn và giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Thứ hai là phương pháp nối tắt dạ dày vào ruột non, mục đích cũng giảm lượng thức ăn hấp thu vào cơ thể.
Mập mờ trong việc đặt tên cơ sở làm đẹp
Theo thống kê, TPHCM hiện có 20 bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, TPHCM có 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun, thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế TPHCM. Trong khi đó, có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng.
Tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp”, “dịch vụ chăm sóc sắc đẹp” nằm trong nhóm này đều không thuộc sự quản lý của ngành y tế. Các cơ sở này chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động.
Hơn nữa, do chưa có quy định về đặt tên biển hiệu nên các “cơ sở làm đẹp, cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thẩm mỹ lấy loạn các loại biển hiệu rất khó phân biệt.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nay, ngoại trừ các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, nhiều cơ sở thường lấy tên trên biển hiệu rất khó phân biệt như “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, “Trung tâm Thẩm mỹ…” gắn tại những toà nhà sang trọng,… và tên một số doanh nghiệp “Công ty TNHH Bệnh viện…” trong Giấp phép kinh doanh.
Điều này dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ.
Đây cũng chính là một trong những “kẽ hở” để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.
Bên cạnh việc kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực thẩm mỹ, việc rà soát, bổ sung quy định về tên các doanh nghiệp và tên các biển hiệu của các cơ sở là rất cần thiết.
Theo đó, đăng ký tên doanh nghiệp không được nhập nhằng giữa cơ sở dịch vụ và bệnh viện (Ví dụ: Chủ đầu tư của một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ lại đăng ký tên doanh nghiệp trong Giấy phép kinh doanh là “Công ty TNHH bệnh viện…”), không dùng tên riêng của các bệnh viện để đặt tên cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Bổ sung các quy định pháp luật về tên các doanh nghiệp và tên các biển hiệu của các cơ sở sẽ là một phần cơ sở pháp lý để lấp đi những “kẽ hở”, không để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.