Nghiên cứu ảnh hưởng của cao chiết methanol loài ô dược (Lindera myrhha) lên quá trình tổng hợp melanin trên dòng tế bào melanoma B16F10, nhóm nghiên cứu Lê Quỳnh Loan, Phạm Thị Thanh Thủy, Nguyễn Lương Hiếu Hòa, Lê Văn Minh, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Hoàng Dũng thuộc Viện sinh học nhiệt đới, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM nhận thấy, tiềm năng của loài này trong việc ứng dụng như một thành phần làm trắng da trong mỹ phẩm. Để đánh giá tiềm năng của các loài dược liệu trong việc điều trị các triệu chứng tăng sắc tố da, nghiên cứu này tiến hành khảo sát sự ảnh hưởng của cao chiết methanol từ loài ô dược lên quá trình tổng hợp hắc tố melanin trên dòng tế bào melanoma B16F10.
Ô dược được chứng minh là có độc tính tế bào thấp, ngay cả ở các nồng độ cao. Cao chiết methanol của loài này có hoạt tính ức chế sự tổng hợp melanin tăng dần theo nồng độ. Ở nồng độ 200 μg/ml, cao methanol có thể ức chế quá trình tổng hợp melanin của tế bào B16F10 đến 42,58%. Cao methanol ở nồng độ 200 μg/ml cũng được chứng minh có thể ức chế in vitro hoạt tính của mushroom tyrosinase (5,45%) và có hoạt tính ức chế mạnh đối với hoạt tính tyrosinase nội bào (36,35%). Ngoài ra, loài ô dược còn có hoạt tính ức chế gốc tự do khá mạnh. Đây là công bố đầu tiên về các hoạt tính của loài ô dược (Lindera myrhha). Những kết quả của nghiên cứu này góp phần chứng minh tiềm năng của loài này trong việc ứng dụng như một thành phần làm trắng da trong mỹ phẩm.
Phong Lâm