Kèo nèo còn có tên khác là khèo nèo, cù nèo, nê thảo, tai tượng... là cây dại mọc ở ven sông hay bờ ruộng, hoặc cũng có thể được trồng trong vườn để làm rau ăn.
Cây kèo nèo có hình dáng gần giống cây bèo lục bình, nhưng sống bám vào đất chứ không trôi nổi trên mặt nước. Khi trưởng thành cây cao khoảng 45 – 60cm.
Cụm hoa dạng hoa tán, hoa có cuống dài, màu vàng tươi có từ 1 – 4 cuống cụm hoa. Mỗi cụm hoa có 2 – 12 hoa nằm trong tổng bao là lá bắc. Cuống hoa nhỏ, có phần mở rộng và có mặt cắt tam giác ở phía trên. Mỗi hoa có 3 cánh màu vàng vàng nhạt đến vàng tươi, hình ovan rộng hoặc tròn, mang 15 – 20 tiểu nhụy (dài 1,2cm) và rất nhiều tiểu noãn. Quả nhỏ (đường kính 1,5 – 2cm), được đài hoa bao bọc. Kèo nèo sinh sản, lây lan bằng hạt và phát triển quần thể bằng sinh sản vô tính.
Theo Đông y, kèo nèo có vị ngọt tính mát. Tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu viêm. Kinh nghiệm người dân thường dùng kèo nèo chữa viêm tiết niệu, nam giới di tinh, mộng tinh, nữ giới khí hư bạch đới. Kèo nèo loại rau mát chữa viêm tiết niệu, đi tiểu bút gắt, tiểu khó và các chứng liên quan đếu thấp nhiệt.
Y học hiện đại cho rằng, giá trị dinh dưỡng kèo nèo tương đương với cây dọc mùng. Phần ăn được của kèo nèo (lá và nụ hoa) chứa carbohydrat 14,56%, protein 0,28%, chất béo 1, 22% và chất xơ 3,81%. Nhiều chất vi lượng như K 4.202mg/100g, Mg 228mg/100g, Cu 8,31gmg/100g, Ca 770mg/100g, Zn 0,66mg/100g và Na 107mg/100g (tính trên nguyên liệu khô). Ngoài ra, kèo nèo còn chứa các polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, có khả năng ngăn ngừa bệnh tim mạch vành và khối u.
Chữa di tinh mộng tinh: Kèo nèo cả cây mỗi lần dùng 50 - 100g tươi sắc nước uống.
Chữa phụ nữ nóng nhiệt ra nhiều khí hư: Kèo nèo tươi 50g, lá trinh nữ hoàng cung 20g, sắc nước uống, ngày vài lần.
Chữa viêm tiết niệu: Kèo nèo phối hợp lá mã đề mỗi vị 50g sắc uống ngày vài lần.
-Chữa sỏi thận tiết niệu: Bẹ kèo nèo non 100g, rau đắng 100g, rau ngổ 50g, các vị sắc uống hoặc làm rau nấu lẩu cá kèo ăn nhiều ngày.
Ghi chú: Không nên dùng kèo nèo ở những nơi nước bị ô nhiểm để làm rau hoặc làm thuốc.
PGS.TSKH Trần Công Khánh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn phát triển cây thuốc Việt Nam)