Hỏi: Vì sao người ta phải bảo tồn những cây cổ thụ lâu năm? Nhà tôi có cây cổ thụ rất lớn trong sân vườn mà tôi muốn chặt đi xây nhà thì nên làm thế nào?
Phạm Ngân Hà (Hà Nội)
Ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường: Trước đây Hà Nội xây dựng hẳn một cuốn Atlat cây cổ thụ để bảo vệ chúng. Theo đó thì Hà Nội có 725 cây đạt đủ tiêu chí là cây cổ thụ có tuổi thọ trên 100 năm và là những cây lưu giữ những nguồn gene quý, có ý nghĩa về mặt khoa học. Còn số cây vài chục tuổi thì khá nhiều. Theo Công ty công viên cây xanh, Hà Nội có trên 200 nghìn cây xanh thuộc 150 loài, riêng xà cừ có khoảng 56 nghìn cây. Thực ra thì số cây sống đến 30-40 năm đã có thể được coi là cổ thụ rồi. Đáng tiếc là số cây này ngày càng giảm. Hà Nội là một trong những thành phố có cây lâu năm chứ cũng không phải nơi có nhiều cổ thụ.
Để có được cây cổ thụ, phải hàng trăm năm. Hiện cây cổ thụ đa phần nằm ở công cộng, cần có chính sách giữa Nhà nước và người dân phối hợp để bảo vệ. Chăm sóc định kỳ để cây được bền vững. Phải lọc ra những cây quý nhất để có biện pháp tôn vinh như một di sản, ít nhất là có một hàng rào bảo vệ, một dải lụa hay một bảng thuyết minh đặt bên cạnh.
Ngoài lấy bóng mát, cây cổ thụ được coi là kho tàng nguồn gene sống cần được bảo tồn. Có nhiều cây cổ thụ chứa những gene đặc hữu, gene quý hiếm. Do đó, trường hợp bạn có cây cổ thụ có giá trị cao thì có thể liên hệ với các công ty cây xanh đô thị để được trợ giúp bảo tồn.