Một dạng của ung thư nguyên bào thần kinh
Bé Triệu Thanh V. (19 tháng tuổi Đầm Hà, Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng bụng to dần lên khoảng 2 tháng nay, không sốt. Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp CT cho thấy vị trí sau phúc mạc, phía bên thận phải có khối dạng nang trong có dịch và tổ chức âm, bờ đều ranh giới rõ. Khối đè đẩy nhu mô gan, đẩy thận phải xuống dưới. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị u tuyến thượng thận bên phải và chỉ định phẫu thuật.
Ca mổ diễn ra trong vòng hơn 1 tiếng, các bác sĩ mở ổ bụng, phát hiện khối u thượng thận lớn, kích thước 8x7cm, đẩy thận phải xuống dưới, sát thành bụng phải và tiến hành đã cắt bỏ hoàn toàn khối u tuyến thượng thận bên phải cho bé. Ca mổ tuy khó khăn do phẫu trường rất nhỏ, khó thao tác nhưng đã thành công tốt đẹp.
BS Hoàng Văn Quỳnh, Khoa Ngoại chuyên khoa Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nằm ở phía trên 2 thận có nhiệm vụ sản xuất các hormon quan trọng để điều hòa cơ thể như cân bằng nước – điện giải, chống stress, điều hòa huyết áp…
U tuyến thượng thận là một bệnh lý u hiếm gặp, đặc biệt ở trẻ. Đây là một dạng u nguyên bào thần kinh khởi đầu ở tủy tuyến thượng thận, là một bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh lý có thể lành tính hoặc ác tính gây ra việc tiết ra quá nhiều hormon trong cơ thể. Trẻ bị bệnh đôi khi không có triệu chứng cụ thể, triệu chứng thường gặp là sự chèn ép của khối u trong ổ bụng và đau xương trong trường hợp di căn làm trẻ khó khăn khi đi lại. Ngoài ra, trên cơ thể trẻ còn xuất hiện các tổn thương da được phát hiện khi tắm cho trẻ.
Khối u tuyến thượng thận được lấy ra ở bệnh nhi. |
Nhiều tai biến, dễ tử vong
TS Trương Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, bệnh u tuyến thượng thận thường gặp ở những người trẻ tuổi (từ 20 – 50 tuổi), ít gặp ở trẻ nhỏ. Những người mắc phải các rối loạn di truyền có khả năng mắc bệnh cao hơn. Một số rối loạn di truyền gây ra nguy cơ mắc bệnh như: U tân sinh đa tuyến nội tiết, u sợi thần kinh...
Biểu hiện thường gặp của u tuyến thượng thận là: Cơn tăng huyết áp kịch phát với biểu hiện huyết áp tăng cao từ 250 – 280 mmHg/120-140 mmHg. Các cơn tăng huyết áp kịch phát thường xảy ra đột ngột, một số trường hợp các cơn tăng huyết áp kịch phát xảy trên nền người bệnh có cao huyết áp thường xuyên. Các cơn tăng huyết áp kịch phát kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Sau mỗi cơn tăng huyết áp, người bệnh có triệu chứng mệt mỏi do mất nước có thể gây ra rối loạn điện giải, trụy mạch gây nguy hiểm cho người bệnh; Nhịp tim nhanh>100 lần /phút có thể lên đến 140 – 180 lần /phút; Da xanh, vã mồ hôi, cơ thể ớn lạnh; Đau đầu, buồn nôn, khó thở, lo lắng, bồn chồn, táo bón, sút cân.
Các triệu chứng bệnh có thể được kích hoạt bởi sau một sang chấn về tâm lý, stress, gắng sức... Những yếu tố này làm cho các triệu chứng bệnh nặng và trầm trọng hơn.
Điều đáng nói là các cơn tăng huyết áp thường xuyên và kịch phát làm ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch gây ra các bệnh lý tổn thương đáy mắt, xuất huyết, bệnh lý suy tim, suy thận, rối loạn nước - điện giải, trụy mạch...; Các hormon sinh dục bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng giảm ham muốn tình dục, giảm sản xuất và chất lượng tinh trùng dẫn đến vô sinh; Các triệu chứng giống với bệnh trầm cảm xuất hiện: Các cơ vận động bị ảnh hưởng với các triệu chứng căng cơ, chuột rút; cơ thể mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân...