Cập nhật thông tin môi trường qua kênh nào?

(khoahocdoisong.vn) - Trong khi có quá nhiều ứng dụng để cập nhật tình hình diễn biến ô nhiễm không khí thì người dân lại chưa có một ứng dụng chính thức từ phía cơ quan nhà nước để sử dụng.

“Loạn” ứng dụng

Để biết về chất lượng không khí, ngoài việc truy cập trực tiếp vào các trang web của Trung tâm Quan trắc Môi trường của UBND TP Hà Nội (moitruongthudo.vn), của Đại sứ quán Mỹ (aqicn.org)... Người dùng có thể tải về ứng dụng trên điện thoại di động của rất nhiều đơn vị cung cấp khác nhau. PAM Air (iOS/Android) là ứng dụng được làm ra bởi một công ty Việt Nam, sử dụng dữ liệu chất lượng không khí từ các cảm biến do đơn vị này sản xuất, kết hợp với một số đối tác vận hành. Ưu điểm của PAM Air là có phạm vi đo khắp cả nước, hiển thị nhiều chỉ số quan trọng như AQI, chỉ số bụi mịn, đồng thời có số liệu trong 24h để người dùng so sánh. Ứng dụng có trên cả iOS và Android, nhưng chỉ sử dụng được tại Việt Nam.

AirVisual (iOS/Android/Web) là một trong những ứng dụng hiển thị chất lượng không khí phổ biến, với hơn một triệu lượt tải trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, các trạm đo cung cấp dữ liệu cho AirVisual tập trung chính ở Hà Nội và TPHCM. Ứng dụng My AQI Air (iOS) có thể cung cấp một số thông tin như chỉ số chất lượng không khí, đánh giá tác động với sức khỏe và một vài thông số như PM2.5, O3, NO2. Ứng dụng có giao diện đơn giản, dữ liệu được cập nhật theo giờ.

Ngoài ra còn có ứng dụng Plume, người dùng cũng có thể điều chỉnh lại theo các chỉ số quốc tế trong phần cài đặt. Ứng dụng Air Matters (iOS/Android) có dữ liệu về chất lượng không khí tại 18 tỉnh thành ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên khắp thế giới. Ưu điểm của Air Matters là có giao diện hiện đại, hiển thị cả các thông tin về không khí, thời tiết trong quá khứ và tương lai, đưa ra các lời khuyên về sức khỏe, cảnh báo khu vực ô nhiễm...

Rất nhiều ứng dụng, nhưng theo TS Nguyễn Đức Lượng, ĐH Xây dựng Hà Nội, để lựa chọn một ứng dụng có độ chính xác, tin cậy cao, lại không phải là việc dễ dàng. Trong khi đó, hiện chưa có ứng dụng nào do chính các cơ quan chức năng về môi trường cung cấp. Điều này đã dẫn đến những tranh cãi suốt thời gian qua về độ xác thực của thông tin ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Khó tìm ứng dụng có độ tin cậy

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, hiện, những ứng dụng để cập nhật chất lượng không khí có quá nhiều. Chỉ có điều độ tin cậy thấp, khác nhau tùy vào nguồn thiết bị quan trắc và công thức tính mà ứng dụng đó sử dụng.  Chẳng hạn nếu lấy thông số từ một thiết bị đặt trong nhà chắc chắn sẽ cho ra kết quả khác xa với một thiết bị cảm biến đặt ngoài trời. Ngoài sự khác biệt về vị trí thì thời điểm tính toán và công thức tính cũng sẽ cho ra những kết quả khác biệt. Điều đó cũng có nghĩa là kết quả của các app nêu trên, cả app AirVisual, đều chỉ có giá trị tham khảo chứ không thể chắc chắn là kết quả cuối cùng.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, trong tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay, nếu cơ quan chức năng có thể xây dựng một app như AirVisual với các kết quả được tính toán chính xác từ các trạm quan trắc đáng tin cậy của Việt Nam và cung cấp nhanh chóng kịp thời cho người dân trong nước thì rất tốt vì chỉ sử dụng thông tin duy nhất từ một kênh chính thống.

Việc lập trình, xây dựng một ứng dụng tương tự như AirVisual, theo chuyên gia Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty D&L, sở hữu phần mềm PamAir thì khá đơn giản. Tuy nhiên, quan trọng là phải có số liệu liên tục từ các trạm quan trắc, có đủ độ tin cậy gửi về để cập nhật. Để làm được thì cần đầu tư hệ thống, trang thiết bị, với mạng lưới quan trắc có sẵn của Tổng cục Môi trường, hoàn toàn có thể thiết lập một ứng dụng riêng phục vụ người dùng với độ tin cậy của dữ liệu lớn.

Khi nào có ứng dụng của Việt Nam?

Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường)  cho biết, theo  Luật bảo vệ môi trường cho biết chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quan trắc môi trường thì mới được công bố thông tin về chất lượng môi trường một cách chính thức. "Chúng tôi xin được khẳng định thông tin chính thức về quan trắc môi trường là phải được thực hiện bởi các mạng lưới quan trắc môi trường của quốc gia và địa phương. Các mạng lưới này đã được quy hoạch, triển khai đầu tư, máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn được kiểm định theo đúng quy định pháp luật. Ngoài các kênh thông tin chính thức này, chúng tôi xin được lưu ý các kênh thông tin khác chỉ mang tính chất tham khảo" - ông Nam nhấn mạnh.

Hiện việc truy cập vào các trang web của các cơ quan nhà nước để nắm bắt thông tin về kết quả quan trắc không có gì khó khăn. Nhưng sẽ là tiện lợi hơn nhiều nếu nó là một ứng dụng tích hợp cho các loại điện thoại thông minh, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận hơn nhiều. Được biết, Tổng cục Môi trường đã tính tới vấn đề này và dự kiến đang nghiên cứu, xây dựng ứng dụng (app) cung cấp thông tin quan trắc môi trường để cung cấp trên điện thoại di động cho người dân thuận tiện theo dõi trong thời gian sớm nhất.

Bảo Khánh

Box

Từ ngày 6/10, app AirVisual đã bị ẩn khỏi Việt Nam vì bị "bão" đánh giá 1 sao tấn công kèm theo những bình luận tiêu cực trên các kho ứng dụng Google Play (hệ điều hành Android) và App Store (iOS). Tuy nhiên, trong vài ngày qua, chỉ những người dùng mới bị ẩn đi mà thôi. Đến tối 8/10, app trên đã trở lại.

Theo Đời sống
back to top