Bác ở quê ra chơi cho chị Nguyễn Thị Nhài (Gia Lâm, Hà Nội) mấy củ măng tươi. Sẵn có măng, chị Nhài chạy ra mua con vịt về làm cơm. Cỗ bàn dọn lên rất phong phú, nào vịt nấu măng, lòng vịt xào dứa, lại còn cả món vịt tái chanh, ai ăn cũng xuýt xoa khen ngon. Tuy nhiên, buổi chiều chị và con gái thấy nhức đầu, vã mồ hôi, tim đập nhanh, phải vào viện cấp cứu, nghi ngộ độc măng tươi.
Lời bàn: BS. Xuân Ba (Giáp Nhất, Hà Nội) cho biết, măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN) là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc. Biểu hiện của ngộ độc măng tươi là người bệnh thấy chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp, hôn mê nếu không cấp cứu kịp. Để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng. Khi có dấu hiệu ngộ độc măng tươi, cần áp dụng các biện pháp gây nôn bằng cách uống nhiều nước và móc họng để nôn ra hết rồi mới đến bệnh viện xử lý tiếp.