Cấp cứu kịp thời sản phụ hôn mê, mất ý thức vì sản giật

Tiền sản giật, sản giật là bệnh nhiễm độc thai thường gặp dễ gây tử vong cho cả mẹ và con nên cần phát hiện và cấp cứu sớm.

Cứu sống sản phụ hôn mê do sản giật

Sản phụ không thăm khám, quản lý thai kỳ chặt chẽ, nên đã không phát hiện ra bệnh lý tiền sản giật, chỉ đến khi hôn mê mới được người thân vội vã đưa đến viện. Trong quá trình di chuyển đến Bệnh viện, sản phụ bị co giật, tím tái, mất ý thức.

Sản phụ mang thai được 36 tuần 3 ngày, thai lần 4 nhập viện trong tình trạng hôn mê, mất ý thức, phù 2 chân, mạch nhanh, huyết áp cao 150/90mmHg.

Theo gia đình sản phụ cho biết: trước đó sản phụ mang thai 3 lần (2 lần sinh thường, 1 lần sinh mổ) đều mẹ tròn con vuông, không có gì bất thường. Lần mang thai này khoảng 1 tháng trước sản phụ có tình cờ đi khám và phát hiện tăng huyết áp.

Và khoảng 1 tuần trở lại đây sản phụ có biểu hiện mắt thi thoảng nhìn mờ, đau đầu, chân phù. Chỉ đến khi sản phụ có biểu hiện mất ý thức, hôn mê mới được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.

Trên nền sản phụ bị tăng huyết áp cùng các biểu hiện như vậy, các bác sĩ đã nghĩ ngay đến bệnh lý sản giật và nhanh chóng cấp cứu theo phác đồ sản giật. Sau khi kiểm soát được tình trạng cơn giật, đánh giá tim thai bình thường, không có rau bong non và làm các xét nghiệm cần thiết đánh giá tình trạng thai phụ. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu mổ lấy thai.

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết: trên nền một sản phụ sản giật, hôn mê như vậy thì trước, trong và sau khi mổ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như ngừng tuần hoàn, xuất huyết, phù phổi cấp, rối loạn đông máu, rau bong non…

Bằng kinh nghiệm và sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa, ca phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi. Bé trai chào đời an toàn với cân nặng 2.360gram. Sản phụ sau phẫu thuật được theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Hiện sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe sản phụ ổn định và đã được xuất viện.

Cứu sống sản phụ hôn mê do sản giật - Ảnh BVCC

Cứu sống sản phụ hôn mê do sản giật - Ảnh BVCC

Sản giật: 1/5 tai biến sản khoa hàng đầu tại Việt Nam

Các chuyên gia sản Phụ khoa cho biết, tiền sản giật – sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa hàng đầu tại Việt Nam cùng với băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung và uốn ván rốn. Tỷ lệ tử vong mẹ cao nhất là băng huyết sau sinh chiếm 31%, sau đó là tiền sản giật 16%. Tỷ lệ tử vong ở con là 30%.

Tiền sản giật là bệnh nhiễm độc thai thường gặp, chiếm tỷ lệ 2-8% số phụ nữ mang thai, phần lớn xảy ra trong thời kỳ mang thai đầu tiên. Đây là một hội chứng gồm cao huyết áp, protein niệu và có thể có phù hay không phù xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ ở những sản phụ trước đó có huyết áp bình thường.

Trong bệnh lý này có hiện tượng giảm tưới máu cơ quan thứ phát do co thắt mạch và hoạt hóa nội mạch; gây rối loạn và tổn hại nhiều hệ cơ quan của người mẹ: thận, gan, não, hệ thống đông máu, bánh nhau. Tiền sản giật cũng có thể xuất hiện trước 20 tuần ở những bệnh nhân thai trứng hoặc bệnh lupus…, đôi khi kèm theo các triệu chứng: nhức đầu, hoa mắt, ù tai, rối loạn ý thức…

Tiền sản giật có hai mức độ: nhẹ (huyết áp ≥140/90mmHg; protein niệu ≥ 300mg nước tiểu 24 giờ hay ≥ 1+ trên que nhúng); Nặng (huyết áp 160/110 mmHg, protein niệu ≥ 2000mg nước tiểu 24 giờ hay ≥ 2+ trên que nhúng, thiểu niệu khi lượng nước tiểu trong 24 giờ ≤ 400 mg, creatinin huyết thanh ≥ 1,2 mg/dL; phù phổi, nhức đầu, thay đổi thị giác, đau thượng vị; suy chức năng gan, giảm tiểu cầu, thai chậm tăng trưởng…

Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong (10%). Do chưa xác định được nguyên nhân của tiền sản giật nên chưa có cách điều trị đặc hiệu và phòng ngừa bệnh này.

Sản giật là sự xuất hiện cơn co giật ở sản phụ bị tiền sản giật và không có nguyên nhân khác. Sản giật có thể xuất hiện trước, trong và sau chuyển dạ. Khoảng 10% trường hợp sản giật, đặc biệt ở người con so, xuất hiện sau 48 giờ hậu sản.

Khi có dấu hiệu tiền sản giật, nhất là tiền sản giật nặng hay đã có sản giật, để bảo toàn tính mạng người mẹ, tránh các biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết não, phù phổi cấp, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…cần phải chấm dứt thai kỳ.

Các thuốc hạ áp, ngừa co giật chỉ tạm khống chế diễn tiến bệnh. Sự sống của thai nhi tùy thuộc vào tuổi thai (dưới 28 tuần khả năng sống cực thấp, trên 34 tuần tiên lượng khá hơn), mức độ ảnh hưởng của co thắt mạch trên sự tăng trưởng của thai. Sau sinh hay mổ sinh các triệu chứng của tiền sản giật, sản giật thường mất sau 1 – 2 tuần.

Hiện chưa có cách dự phòng tiền sản giật. Muốn tránh được tiền sản giật giúp giảm tỷ lệ tai biến và giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và con, phải phát hiện và điều trị sớm nhiễm độc thai nghén. Do đó, phải đi khám thai đều đặn.

Các nguyên nhân gây tử vong mẹ: Băng huyết sau sinh 31%; nhiễm trùng 13%, nạo phá thai 9%, tiền sản giật – sản giật 16%, vỡ tử cung 4% và 24% chưa rõ nguyên nhân.

Theo Đời sống
back to top