Cao tốc của VEC: Vốn nhà nước, nhưng tư nhân cùng thu phí?

(khoahocdoisong.vn) - Cả 4 cao tốc của VEC đều không phải là dự án BOT, nhưng việc thu phí, khai thác, bảo trì… lại do công ty cổ phần có vốn tư nhân nắm giữ.

Đầu tư: dùng vốn Nhà nước

Website của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa phát đi thông cáo báo chí (ngày 11/2/2019) với nội dung về công tác tổ chức thu phí và giám sát thu phí trên các tuyến cao tốc do tổng công ty này quản lý.

Tại thông cáo báo chí này, VEC cho biết là tổng công ty được thành lập từ năm 2004, là doanh nghiệp nhà nước, nòng cốt trong xây dựng các tuyến đường cao tốc của quốc gia và được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Từ cách nhấn mạnh vào đặc điểm “chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác”, nội dung thông cáo báo chí của VEC đưa tới cách hiểu, cả 4 dự án này đều là dự án của Nhà nước và do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, vay vốn thực hiện. Đặc điểm này được VEC liên kết, nhấn mạnh thêm ngay tại cụm từ được in nghiêng, bôi đậm liền sau đó: “các dự án của VEC không phải các dự án BOT”.

Cũng thông cáo báo chí cho biết, công tác thu phí là một trong những nhiệm vụ quan trọng của VEC, nên “được Lãnh đạo VEC đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo”. Đặc biệt, để tăng cường việc quản lý, giám sát thu phí, năm 2015, VEC đã thành lập Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (Trung tâm VEC M, là đơn vị độc lập trực thuộc tổng công ty). 

Trong thông cáo báo chí này, VEC giải thích rõ và khẳng định tính chặt chẽ, hiệu quả về quy trình tổ chức thu phí, giám sát thu phí, hậu kiểm cũng như việc quản lý, sử dụng tiền thu phí và Chế độ báo cáo để đảm bảo minh bạch, công khai, quản lý chặt chẽ chống thất thoát tiền thu phí… mà tổng công này đã dày công nghiên cứu, áp dụng.

Về thời gian thu phí, theo báo cáo tài chính của VEC, hiện thời gian thu phí hoàn vốn tại Cầu Giẽ - Ninh Bình là 50 năm, cáo tốc Nội Bài – Lào Cai có thời gian thu phí 40 năm, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có thời gian thu phí 24 năm, và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có thời gian thu phí là 25 năm.

Dự án cao tốc TP HCM - Long Thành- Dầu Giây có tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 55,7 km, tốc độ thiết kế từ 80 – 120 km/h. Chi tiết cần lưu ý là dự án được xây dựng từ vốn vay ODA của Nhật, vốn vay thương mại từ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Thu phí: Tư nhân cùng hưởng lợi

Về nguyên tắc, khi Nhà nước bỏ vốn và đi vay để đầu tư, thì chỉ Nhà nước có quyền thu phí thu hồi vốn trên các cao tốc. Nhưng nguyên tắc này khá méo mó trong các trường hợp cao tốc do VEC “chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác” – dẫn theo thông cáo báo chí.

Về công tác thu phí tại 4 dự án đường cao tốc, VEC cho biết hiện đang giao cho các đơn vị thành viên thực hiện. Bao gồm Công ty CP Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S) và Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E).

Tại cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, quyền thu phí được VEC giao cho VEC E. Đây là công ty được thành lập từ tháng 4/2010, vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc và thu phí đối với trạm thu phí đường cao tốc, đường bộ…

Tại VEC E, VEC là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 51% vốn góp (tương đương 25,5 tỷ đồng). Còn lại 49% vốn tại VEC E thuộc sở hữu 2 cổ đông pháp nhân khác, là Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường và Công ty CP Đạt Thành. Trong đó, Công ty CP Đạt Thành là doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định, hiện đang sở hữu Trung tâm đăng kiểm xe tại địa phương này và có tham gia một số dự án hạ tầng giao thông.

Còn lại, Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường có chủ sở hữu là ông Nguyễn Thủy Nguyên – người đã mua 70% vốn Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso). Sau đó, thông qua Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng mua 65% vốn cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) – doanh nghiệp ngành nghệ thuật hiện quản lý nhiều khu đất vàng cạnh Hồ Tây của Hà Nội. Trực tiếp, Công ty TNHH Liên hợp Vạn Cường và ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng tham gia làm thầu thi công tại nhiều dự án đường bộ lớn trên cả nước.

“Công thức” tương tự còn được thể hiện ở mức cao hơn tại Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S). Công ty này thành lập tháng 3/2008 với vốn điều lệ chỉ là 114 tỷ đồng, và 4 cổ đông sáng lập, gồm VEC, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH Đầu tư tư nhân Vina (VP Capital), Công ty CP Chứng khoán Bản Việt. Sau 10 năm, hiện VEC chỉ còn nắm 22,83% vốn điều lệ của VEC. Các cổ đông lớn còn lại là Petrolimex nắm 22,38%, Công ty CP Đầu tư Thùy Dương nắm 22,38% và Công ty CP Blue Point nắm 11,19%, vốn điều lệ của công ty đã giảm còn 89 tỷ đồng.

Hiện, VEC S đang tham gia thu phí, bảo trì, khai thác… loạt cao tốc vốn đầu tư hàng tỷ USD của VEC như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Nhưng ngay từ khi thành lập, doanh nghiệp này đã không hoàn toàn do VEC chi phối, mà đã có sự tham gia của khối tư nhân. Ngay trong cổ đông hiện hữu của VEC S, Công ty CP Đầu tư Thùy Dương là doanh nghiệp xuất xứ từ Hải Phòng hiện có tiềm lực tài chính khá yếu, đồng thời đang liên quan chính trong một cuộc điều tra của cơ quan Công an. Còn Công ty CP Blue Point là doanh nghiệp tư vấn tài chính, và thường song hành cùng Công ty CP Chứng khoán Bản Việt trong không ít dự án, doanh nghiệp.

Có nhiều cách để giải thích về việc "mời" tư nhân can dự vào phần việc thu phí trên các dự án cao tốc của VEC, một trong đó có thể do VEC cần minh bạch hơn trong việc thu phí, hoặc thiếu năng lực tổ chức hoạt động này. Và tất nhiên, nếu "nhặt nhạnh tiền lẻ" qua thu phí không nhiều lợi nhuận, hẳn sẽ không thấy bóng dáng tư nhân tham dự. Vấn đề là, trên các dự án cao tốc của VEC – một tổng công ty nhà nước - hoạt động thu phí đang có nhiều câu hỏi về tính minh bạch, với sự tham gia của các cổ đông tư nhân "nổi tiếng" không kém.

Theo Đời sống
back to top