<div> <div> <p>Việc tổ chức mời thầu dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tiếp tục thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.</p> <p>Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, để xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam không nên đặt vấn đề nhà thầu trong nước hay nước ngoài mà việc quan trọng là chọn được nhà thầu tốt; có điều kiện chặt chẽ để bảo đảm công trình chất lượng, đúng tiến độ và đặc biệt là chủ đầu tư "phải làm chủ".</p> <p>Báo Người lao động dẫn lời đại biểu Cường gợi ý, phải chia làm nhiều gói thầu nhỏ và mỗi doanh nghiệp hay liên danh doanh nghiệp chỉ làm một đoạn. Nếu nhà thầu nào yếu kém, không đáp ứng yêu cầu thì ngay lập tức có nhà thầu khác thế chân và tất nhiên có ưu tiên nhà thầu đã làm tốt các đoạn khác.</p> <p>"Với cách này, sẽ tránh đất nước bị phụ thuộc vào nhà thầu và trở thành lệ thuộc, con tin của nhà thầu. Nhà thầu nào có vấn đề, lý lịch có vấn đề, có "vết" các công trình khác thì phải loại ngay từ đầu", ông Hoàng Văn Cường nói.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" width="1"> <tbody> <tr> <td><img alt="Cao toc Bac-Nam: Dung de thanh con tin cua nha thau" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/13/cao-toc-bacnam-dung-de-thanh-con-tin-cua-nha-thau_131221349(1).jpg" title="Cao tốc Bắc-Nam: Đừng để thành con tin của nhà thầu" /></td> </tr> <tr> <td class="Image">Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường</td> </tr> </tbody> </table> <p>Để khắc phục điểm yếu của các nhà thầu trong nước là nguồn lực tài chính có hạn, theo đại biểu Cường, các nhà thầu phải bắt tay nhau.</p> <p>"Số doanh nghiệp Việt Nam có năng lực thi công, kinh nghiệm làm hạ tầng giao thông không phải ít, vấn đề là họ có ngồi lại, bắt tay nhau để làm dự án lớn hay không. Tiến tới có thể liên kết với nhà thầu nước ngoài. Tất nhiên, nhà thầu nước ngoài phải có uy tín, nguồn lực", ông Cường kiến nghị.</p> <p>Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay của dự án đường cao tốc Bắc - Nam là dự án dùng vốn ngân sách thì có nên chấp nhận nợ công tăng lên hoặc huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).</p> <p>Theo ông Nguyễn Đức Kiên, cơ sở hạ tầng không tạo ra đột phá thì tăng trưởng kinh tế khó đạt được GDP tăng 7%-8%/năm và đến năm 2030 không lọt vào nhóm những nước công nghiệp phát triển.</p> <p>"Với tâm lý xã hội hiện nay, làm BOT có được chấp nhận không? Làm BOT là chủ trương rất đúng. Muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam phải phát triển cơ sở hạ tầng bằng hình thức BOT và không có cách nào khác. Xã hội cần có cái nhìn khác về dự án BOT giao thông", ông Kiên chia sẻ.</p> <p>Trước đó, cao tốc Bắc-Nam là một trong những nội dung nóng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận được nhiều chất vấn của ĐBQH.</p> <p>Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, nhiều cử tri, trong đó có những chuyên gia kinh tế, kỹ thuật trong nước rất bức xúc về thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc-Nam.</p> <p>Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lý thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp Việt Nam và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại, qua đó giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài.</p> <p>“Cử tri còn hỏi rằng: Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ rồi cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém, chưa kể các hậu quả khác nếu lại xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?...”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.</p> <p>Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định cao tốc Bắc-Nam là một trong những công trình trọng điểm, chất lượng phải là hàng đầu, do đó, từ công tác tư vấn giám sát cho đến tổ chức thi công, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ ngay từ đầu và cần thiết sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn lực để thuê tư vấn nước ngoài giám sát quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo công trình đúng tiến độ, chất lượng.</p> <p>Tư lệnh ngành giao thông cũng khẳng định, Bộ đã tạo điều kiện để hình thành các liên doanh để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm công ăn, việc làm thì tình hình tài chính sẽ tốt.</p> <p>“Còn huy động vốn thì nếu chúng ta tổ chức được gói tín dụng để hỗ trợ cho dự án, huy động từ dân thì dự án sẽ có ý nghĩa một cách toàn diện hơn…”, ông Thể nhận định.</p> <p>"Chia lửa" cùng Bộ trưởng GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là phải lựa chọn các nhà thầu, nhà đầu tư một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng.</p> <p>“Ưu tiên các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ năng lực. Với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài thì phải là những nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng.</p> <p>Không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, Phó Thủ tướng nói.</p> <p> </p> </div> <div> <div> </div> </div> </div> <p> </p>