Cái quan trọng nhất là phải thay đổi thói quen lạm dụng hóa chất trong sản xuất của người nông dân khi mà họ đã quá lệ thuộc vào hóa chất trong một thời gian dài.
Canh tác hữu cơ là rất khó, đảm bảo phải tuân thủ các quy trình.
Khó mà không khó
Theo TS Trần Ngọc Hùng, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu rau quả, nhiều người nói sản xuất hữu cơ khó. Đúng là canh tác hữu cơ rất khó. Cụ thể, để canh tác hữu cơ, đất phải được chọn lựa như không bị nhiễm kim loại, đã xử lý sạch hóa chất, có thời gian bồi dưỡng và tái tạo các chất dinh dưỡng.
Trong quá trình trồng cũng có thời kỳ để đất luân chuyển, không khai thác liên tục. Đối với chăm bón, không sử dụng hóa chất để xử lý nấm bệnh hay vi sinh vật mà để cây tăng sức đề kháng hoặc dùng các loại hữu cơ khác để xua diệt côn trùng…
Tuy nhiên, theo TS Trần Ngọc Hùng, dù rất khó, tuy nhiên không đến mức Việt Nam không thể thực hiện được. Ngày xưa các cụ chúng ta sản xuất cây ăn quả hay rau, lúa chính là theo phương thức hữu cơ.
Do thời đó không có hóa chất nên dùng phân bón, diệt côn trùng… đều bằng các sản phẩm hữu cơ như phân chuồng, các loại cây củ. Ngày nay, các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa người ta vẫn canh tác hữu cơ nên không thể nói là khó.
Vấn đề hiện nay, do chúng ta dùng hóa chất nhiều nên đất bị nhiễm, thói quen trồng cây không dùng thuốc kích thích, phân đạm hay thuốc bảo vệ thực vật cũng lớn nên nếu thay đổi sẽ thấy khó. Nhất là yếu tố lợi nhuận được đặt lên hàng đầu nên càng khó hơn. Nếu xử lý được vấn đề này thì canh tác hữu cơ sẽ trở nên dễ dàng.
“Sản xuất hữu cơ không khó nhưng cần cái tâm của người làm, sự hiểu biết về quy trình và đặc biệt là thay đổi thói quen sử dụng hóa chất. Cũng vì những yếu tố này nên sản phẩm hữu cơ thường rất đắt. Bởi đó là một phần chi phí nhưng cũng bởi năng suất không cao, bị lợi dụng thương hiệu…”, TS Trần Ngọc Hùng nói.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Có một điều chắc chắn là trong những vụ sản xuất hữu cơ đầu tiên, năng suất cây trồng sẽ bị hụt giảm đến 50% thậm chí là mất trắng bởi nông dân không được dùng hóa chất để thiết lập lại mối cân bằng sinh thái trong khu vực sản xuất. Sau đó năng suất sẽ dần ổn định và thậm chí đạt ngang bằng với sản xuất thông thường. Đó là điều khó khăn nhất mà người nông dân phải đương đầu khi họ quyết định chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Thay đổi thói quen
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, trưởng ban điều phối Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) cho biết, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài việc tuân thủ đúng quy trình của nông nghiệp hữu cơ thì người sản xuất cần phải có kiến thức canh tác hữu cơ và có quan điểm nhận thức đúng về nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là thói quen sử dụng thuốc hóa học. “Khi mới bắt tay vào sản xuất, nông dân đều rất lo lắng về công tác bảo vệ thực vật.
Người dân đã quen với việc thấy có vết sâu cắn hoặc bệnh hại là phun, thậm chí thấy ruộng bên cạnh phun thì mình cũng phải phun nếu không sâu bệnh chạy hết sang ruộng nhà mình. Với canh tác hữu cơ, nông dân phải học cách tự quan sát và phân tích tình huống để ra các quyết định xem nên “phun” hay “không phun”.
Đây là cái khó nhất”, bà Từ Thị Tuyết Nhung chia sẻ, “Ở giai đoạn đầu khi tôi xuống ruộng hữu cơ, sau câu chào thì câu hỏi đầu tiên của bà con thường là hỏi tôi phun thuốc gì. Tôi luôn trả lời họ bằng một câu hỏi khác để cố gắng cùng với nông dân tìm ra nguyên nhân của vấn đề mà họ đang gặp phải, và cuối cùng nguyên nhân chính thường là do biện pháp canh tác của nông dân chưa đúng.
Bây giờ thì khác rồi. Họ đã tự tin hơn rất nhiều so với cách đây vài năm khi bắt đầu làm hữu cơ. Chính vì thế, tại vùng trồng rau hữu cơ ở Thanh Xuân, Đông Anh, Hà Nội, trước chỉ có 2 -3 nhóm, giờ đã tăng lên 5- 6 nhóm và giờ đây, mọi người rất tự tin và làm đúng quy trình”.
Đức Anh