Mất ăn mất ngủ vì zona thần kinh
Bà Hoàng K.O. (53 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng cơ thể nổi mụn nước vùng mạn sườn trái, được chẩn đoán bà O. mắc zona thần kinh.
Trước đó khoảng 10 ngày, người bệnh xuất hiện cảm giác đau rát, châm chích da vùng mạn sườn trái, có mụn nước mặc dù không có tổn thương da hay tiền sử bệnh trước đó. Bệnh nhân không sốt, không mệt mỏi, ăn uống sinh hoạt bình thường nhưng mất ngủ do đau nhiều.
BS Lê Thị Hường, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, đơn thuốc điều trị zona thần kinh thường có nhóm thuốc kháng virus, có thể dùng kháng sinh nếu thấy có tình trạng bội nhiễm, có thể phối hợp thuốc chống viêm corticoid để làm giảm tình trạng viêm của dây thần kinh nhằm hạn chế đau sau zona; dung dịch sát khuẩn hoặc kháng sinh tại chỗ, dùng thêm thuốc giảm đau nếu bệnh nhân đau nhiều. Tuy nhiên, liều lượng thế nào còn phụ thuộc vào cơ địa, mức độ nghiêm trọng của người bệnh.
Zona thần kinh là viêm dây thần kinh cảm giác do virus Varicella Zoster gây nên. Virus đi vào cơ thể và cư trú trong các hạch thần kinh cảm giác, khi gặp điều kiện thuận lợi, virus sẽ gây viêm dây thần kinh cảm giác khiến người bệnh có cảm giác đau đớn, bỏng rát, âm ỉ. Do tính chất đột ngột, bệnh gây ra khó chịu, khiến người mắc bệnh mất ăn mất ngủ, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh zona như:
- Đau thần kinh sau zona. Đây là biến chứng thường gặp nhất của zona thần kinh, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn khó chịu, mệt mỏi.
- Suy giảm thị lực. Zona xuất hiện tại vùng mặt, đặc biệt là ở trán, mắt và mũi có thể làm giảm thị lực, khô mắt, khô giác mạc, hoại tử, thậm chí là mù lòa.
- Nhiễm trùng da. Bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng nếu điều trị không đúng cách như chữa mẹo, chữa theo dân gian, tự ý dùng thuốc.
- Dị tật ở thai nhi. Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh zona thần kinh có thể ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Không tự ý điều trị
Bệnh zona thần kinh rất dễ nhầm với các bệnh khác, do vậy, khi có những dấu hiệu bất thường, nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín thay vì bỏ qua hay tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Các triệu chứng thường gặp nhất là cảm giác ngứa, bỏng rát, nhức dai dẳng tại vùng da bị bệnh kèm theo đau đầu, mệt mỏi… Khoảng 1 - 3 ngày sau, trên cơ thể người bệnh xuất hiện ban đỏ, phù nề nhẹ, gờ hơi cao hơn mặt da, hình tròn, bầu dục, nổi dọc theo dây thần kinh, rải rác hoặc thành cụm tạo thành vệt dài trên da. Trên mảng đỏ này sẽ xuất hiện mụn nước, căng, khó vỡ. Về sau mụn to dần, dịch đục, vỡ và bắt đầu chảy nước. Bề mặt da khô đi, đóng vảy và để lại sẹo. Quá trình này diễn ra trong khoảng từ 2 - 3 tuần từ khi nhiễm bệnh cho đến khi khỏi. Sau khi khỏi một thời gian ngắn, thi thoảng người bệnh vẫn cảm thấy đau tại vùng da phát bệnh.
Theo các bác sĩ, khi mắc bệnh, người bệnh vẫn có thể tắm rửa bình thường, lưu ý là không được gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị bệnh. Không tự ý đắp thuốc hoặc các chất khác lên da vì có thể gây bội nhiễm, gây loét, kích ứng da. Người bệnh tránh tiếp xúc da - da với người chưa từng bị thủy đậu, đang bị bệnh hoặc có hệ miễn dịch kém. Đặc biệt, người bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc để mau chóng khỏi bệnh, tránh hậu quả đáng tiếc.
BS Lê Thị Hường cũng cho biết, muốn phòng tránh bệnh này cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng đề kháng cho cơ thể. Nên luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, giúp cơ thể khỏe mạnh. Vệ sinh cá nhân, nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ và không nên tiếp xúc trực tiếp với dịch tại thương tổn để tránh vết thương lan rộng, khó chữa.