Sản phẩm được quảng cáo là vàng non.
Nở rộ trang sức vàng non
Gần đây trên các mạng xã hội, trang sức bằng vàng non được quảng cáo, rao bán khá rầm rộ. Theo đó thì trang sức vàng non hay còn gọi là trang sức vàng non tuổi. Loại trang sức này được làm từ các loại vàng 10K (41,7%), Vàng 14K (58,3%) thường được gọi là vàng 5 tuổi 8, Vàng 18K (75%) thường được gọi là vàng 7 tuổi rưỡi.
Theo tìm hiểu của báo Khoa học & Đời sống, hiện nay, trang sức làm từ những loại vàng non cũng rất đa dạng nhiều mẫu mã từ hiện đại đến truyền thống. Hơn nữa, giá thành thì rẻ hơn vàng 24K (99,99%) vàng 10 tuổi, hay vàng 90% vàng 9 tuổi. Vì thế mà nó cũng phù hợp với túi tiền của nhiều chị em hơn.
Trên tài khoản facebook Vàng non Hằng Nga quảng cáo rằng lựa chọn được trang sức vàng non đúng độ tuổi thì không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt là những người chưa có sự tìm hiểu hay hiểu biết về trang sức vàng non hoặc tham rẻ mua ở những chợ cóc trôi nổi trên thị trường.
Tuy vậy, trang sức vàng thấp tuổi chỉ phù hợp dùng làm đồ trang sức, không có tính thương mại cao. Giá thành của loại vàng non này cũng khá rẻ, một chiếc nhẫn đính đá khoảng 500.000 đồng, bộ hoa tai 350.000 đồng, dây chuyền 1000.000 đồng…
GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt tỏ ra khá ngạc nhiên trước thông tin về loại vàng này. Ông cho biết, không có loại vàng nào là vàng non hay vàng già, vàng trung tuổi cả.
Người ta không phân loại vàng theo tuổi, đó chỉ là cách gọi trong dân gian truyền miệng. Giá trị của vàng được xác định bằng tỉ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm. Vàng có tỉ lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay là vàng 1 số 9 (74-75%), vàng có giá trị cao nhất là vàng 4 số 9, chính là vàng 24K.
“Vàng là vàng, không có chuyện vàng nhiều tuổi thì đắt, vàng ít tuổi thì rẻ. Không có khái niệm tuổi vàng, và lại càng không có thuật ngữ nào là vàng non trong khoa học, địa chất học, kim hoàn học… Do đó, từ cách sử dụng từ ngữ đã có thể đặt nghi vấn đây là vàng giả hoặc vàng có thành phần cực thấp”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Nhiều kim loại giống vàng
Tỉ lệ vàng nhiều hay ít quyết định giá trị của sản phẩm vàng. Nhưng dù tỉ lệ vàng thế nào thì theo GS.TSKH Phan Trường Thị, bất kể sản phẩm vàng trang sức nào cũng có giấy chứng chỉ vàng. Nếu không có, thì đương nhiên đó không phải là vàng, hoặc là vàng giả. Sản phẩm vàng non quảng cáo trên thị trường không thể coi là vàng, hoặc nó có thể là bất kỳ một kim loại nào đó màu vàng mà không phải vàng.
“Có nhiều cách để tạo ra kim loại màu vàng. Khi đó thì sản phẩm có màu vàng ấy không có giá trị mua bán, mà chỉ đơn thuần là đồ trang sức bằng kim loại. Người ta có thể dùng bạc trộn với một số kim loại, hoặc có những kim loại bản thân nó có màu giống vàng, được sử dụng, cho ra sản phẩm có màu vàng.
Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là chị em mê đồ trang sức, không hiểu rõ, lại cứ nghĩ đó là vàng là không đúng. Đồ trang sức này hoàn toàn không có giá trị trao đổi, mua bán. Đa phần chị em nghĩ là vàng nên cứ mua về dùng, thực tế thì không đúng thế”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, những sản phẩm vàng trang sức có tỉ lệ vàng thấp vẫn được phụ nữ lựa chọn vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Nhưng dù tỉ lệ nhiều hay ít, khi có thành phần vàng thì nó vẫn có giá trị trao đổi. Khi mua đồ trang sức vàng, tốt nhất là lựa chọn các cửa hàng vàng, trang sức uy tín và cảnh giác với những quảng cáo trôi nổi trên mạng.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, để chắc chắn, sau khi mua vàng thì đem đi giám định tuổi vàng. Đối với vàng trắng, vàng tây, độ dung sai cho phép là 2%, tức là tuổi vàng 18k, khi giám định được 73-74% vàng là có thể chấp nhận được, con số này ở vàng ta thì sai số chỉ là 1-2%, tức là vàng ba, bốn số 9, khi giám định phải đạt 99,8% mới chấp nhận được.
Bảo Khánh