Cảnh chết mòn của hàng cây cổ thụ bị di dời để thi công metro Nhổn - Ga Hà Nội
Trọng Trinh
20:31 - 25/05/2020
Trong khi dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chưa biết ngày nào về đích thì hơn 100 cây trên đường Kim Mã bị đốn hạ, di dời để phục vụ cho công trình này hiện đang bị bỏ mặc, hàng chục cây chết khô.
Hơn 100 cây xanh bị di dời xây đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội lâm cảnh chết mòn
Gần 4 năm về trước, 106 cây xanh gồm xà cừ, phượng, xoài... vướng vào mặt bằng thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được đánh chuyển về vườn ươm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để phục hồi.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại hơn 100 cây xanh này đang lâm cảnh chết dần dần chết mòn vì thiếu bàn tay chăm sóc.
Thời điểm đó, Hà Nội giao cho một công ty thực hiện việc đánh chuyển 106 cây xanh trên phố Kim Mã về chăm sóc tại vườn ươm (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm).
Theo kế hoạch dự kiến, số cây này sẽ được tái sử dụng trên những con đường mới, nhằm tạo cảnh quan và bóng mát tại Thủ đô.
Theo ghi nhận thực tế, có khoảng hơn 30 cây xanh có biểu hiện đã chết, vỏ cây bị bong từng mảng lớn, cỏ mọc um tùm cao hơn đầu gối người. Chủng loại cây ở đây gồm: xà cừ lớn, phượng, hoa sữa, bằng lăng, xoan, muồng…
"Tôi rất xót xa cho số cây này, trong đó có những cây lâu năm phải mất nhiều thời gian để sinh trưởng được như hiện tại. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm nay tôi không được phía công ty thanh toán tiền thuê đất. Ban đầu họ cũng có cử người chăm sóc nhưng sau đó bỏ bẵng", ông Nguyễn Văn Hưng chủ vườn ươm xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết.
Theo ông Hưng phía đơn vị này không chỉ bỏ mặc sự sống chết của hàng trăm cây xanh mà họ còn không thực hiện đúng hợp đồng thuê đất đã ký kết.
Nhiều thân cây già nua đã bị mục nát.
Số phận của hơn 100 cây xanh tại vườn ươm xã Đa Tốn đang rơi vào cảnh chết mòn, "bán cũng không được, chặt bỏ cũng không xong vì là cây của nhà nước", ông Hưng ngậm ngùi.
Khoảng đất rộng 3000 m2 cỏ mọc um tùm bị bỏ bẳng không chăm sóc, ông Hưng tự tay chăm sóc, tưới nước cho cây sống. Làm mãi không có công, tiền thuê đất cũng không lấy được nên ông Hưng chán nản không muốn chăm sóc vườn cây nữa.
"Thời điểm này những cây sống đã hồi phục, nếu đánh chuyển đi trồng ở nơi khác là tốt nhất, tôi cũng muốn số phận những cây này được định đoạt để lấy lại đất, hoặc tôi có quyền xử lý khi có quyết định của thành phố", ông Hưng bày tỏ.
Trọng Trinh