Bệnh nhân bị bỏng nặng khi dùng đèn sưởi đá muối
Rước họa sức khỏe…
Phát hiện mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cách đây 10 năm, ông Phạm Văn P. (52 tuổi, Bắc Kạn) thường xuyên phải đối mặt với cảm giác tê bì, nhức mỏi tay chân khiến cơ thể luôn mệt mỏi và khó chịu. Cách đây hai tháng, ông được người thân mua tặng bộ đèn đá muối đặt chân, được quảng cáo sẽ đẩy lùi các triệu chứng tê bì, mang lại giấc ngủ ngon và sâu hơn…
Nhưng thực tế, dù đều đặn sử dụng mỗi ngày, các triệu chứng tê bì của ông P. vẫn không hề thuyên giảm. Không những vậy, lần sử dụng gần nhất đã khiến bệnh nhân này phải nhập viện cấp cứu vì bàn chân bị bỏng nhiệt nặng nề.
“Thông thường, tôi bật đèn sưởi trong khoảng thời gian 20 – 30 phút để đá nóng lên sau đó mới đặt chân vào. Lần này, do bỏ quên nên thời gian bật đèn kéo dài khoảng 40 phút. Trong lúc đặt chân, tôi hoàn toàn không có cảm giác bất thường, đến khi bỏ ra mới phát hoảng vì toàn bộ phần da ở lòng bàn chân đã đỏ rực và phồng rộp lên”, ông P. kể lại.
Bệnh nhân được gia đình đưa vào BVĐK tỉnh và sau đó chuyển xuống BV Nội tiết TW để điều trị trong tình trạng cả hai lòng bàn chân bị lột da, phần gót chân đã bắt đầu hoại tử.
BS Nguyễn Ngọc Thiện – Phó trưởng khoa Chăm sóc Bàn chân BV Nội tiết TW cho biết, bệnh nhân Phạm Văn P. không chỉ bị bỏng diện rộng ở vùng lòng bàn chân mà vết thương còn “ăn sâu” khiến việc điều trị khó khăn. Các bác sĩ đã phải cắt lọc vết thương, thay rửa và sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân, song song với việc điều trị đường huyết.
Đến nay, sức khỏe của ông P. dù đã ổn định song theo BS Nguyễn Ngọc Thiện, bệnh nhân phải điều trị hơn 1 tháng mới có thể hồi phục.
May mắn không phải nhập viện như bệnh nhân P., song ông Lê Phước N. (Ba Vì, Hà Nội) cũng bị một phen tá hỏa khi suýt bỏng lợt da chân do đèn sưởi đá muối gây nên.
Ông N. bị tiểu đường tuýp 2 đã 7 năm nay và cũng sử dụng đèn đá muối Hymalaya để điều trị tê bì. “Do không cảm nhận được nhiệt độ nên tôi chỉ thường bật đèn sưởi theo thói quen, nếu lần vừa rồi vợ tôi không vô tình kiểm tra lại thì có lẽ chân tôi cũng đã bị bỏng nặng vi loại đèn này”, ông N. thở phào kể lại.
Không nên nghe truyền miệng để điều trị triệu chứng tay chân tê bì
Được biết, hiện nay sản phẩm đèn đá muối được bán rộng rãi trên thị trường, cách sử dụng đơn giản và được nhiều người truyền tai về tác dụng thần kỳ của nó với sức khỏe. Sau khi cắm điện và điều chỉnh nhiệt, lớp đá muối phía bên trên sẽ nóng lên. Người sử dụng đặt hai bàn chân lên để sưởi trong thời gian khuyến cáo từ 20 – 30 phút, đều đặn mỗi ngày.
Theo lời quảng cáo của sản phẩm này, ngoài các công dụng như ngủ ngon, giảm đau do viêm khớp, táo bón… loại “thần dược” này còn có thể điều trị chứng tê bì tay chân ở người tiểu đường do làm cân bằng ion âm dương, “đả thông kinh mạch” trong cơ thể. Vì vậy, nhiều người đã mua sản phẩm này làm quà biếu tặng người thân bị bệnh tiểu đường, người lớn tuổi.
Bàn chân của bệnh nhân P. sau khi được các bác sĩ xử lý vết bỏng sâu do dùng đèn sưởi đá muối
Không đánh giá về công dụng thực sự của đá muối hay một số liệu pháp dân gian tương tự, tuy nhiên, BS Nguyễn Ngọc Thiện khuyến cáo các bệnh nhân tiểu đường không nên áp dụng những sản phẩm này để điều trị triệu chứng tay chân tê bì.
“Người mắc tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp. Do vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một lần không có người thân kiểm soát giúp nhiệt độ là có thể dẫn tới bỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe”- BS Thiện nói.
Tại khoa khoa Chăm sóc bàn chân, mỗi tháng các bác sĩ thường phải tiếp nhận và xử lý 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp do ngâm, sưởi chân.
Cũng theo BS Nguyễn Ngọc Thiện, hầu hết bệnh nhân chỉ đi khám khi đã có biến chứng nặng, do đó quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều so với các vết bỏng thông thường. Các bác sĩ không chỉ tích cực cắt lọc, chăm sóc vết thương hoại tử mà còn phải kiểm soát đường huyết cũng như dùng thuốc hỗ trợ nuôi dưỡng vùng tổn thương kích thích da tự mọc, hạn chế tối đa xuất hiện thêm vết thương.
Thực tế, không ít bệnh nhân vì nhập viện muộn hoặc sử dụng thuốc nam để chữa trị khiến vết thương bị nhiễm khuẩn nặng, hoại tử trên vùng rộng và phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.
Theo Thái Bình- Quỳnh Phạm (SKĐS)