Lạm dụng xốp
Quảng Ninh là tỉnh có 250km đường bờ biển, với trên 6.100km2 mặt biển, 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha eo vịnh. Với lợi thế trên, Quảng Ninh được xác định sẽ phát triển ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn của tình.
Hiện, Quảng Ninh là tỉnh ven biển có số lượng lồng bè nuôi thuỷ sản lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng, với hơn 14.500 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng tập trung và hơn 8.100 tàu cá.
Tuy nhiên, đi kèm với phát triển nuôi trồng thủy sản là áp lực đáng kể lên công tác bảo vệ môi trường. Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho thấy, ngành Thủy sản có thể không sử dụng quá nhiều nhựa ô nhiễm, nhưng lại có tỷ lệ rò rỉ rác thải (vứt bỏ ra môi trường đại dương và sông ngòi) cao thứ hai sau lĩnh vực sản xuất bao bì.
Chỉ tính riêng lượng phao xốp làm bệ nổi cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh đã chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi (50% còn lại sử dụng các vật liệu thay thế) và số lượng phao xốp có thể lên đến hơn 15.000 quả xốp. Riêng Vịnh Hạ Long trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng rác thu gom được là hơn 350 tấn ngoài vịnh. Đây đều là những con số biết nói và nếu không có giải pháp hữu hiệu để thay thế, gia cố, thì vấn đề ô nhiễm rác xốp trên biển sẽ ngày càng gia tăng.
Theo bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Xanh Greenhub, số liệu từ chiến dịch “Vì Hạ Long xanh” cho thấy phần lớn số lượng rác thải nhựa thu được là các mảnh xốp từ các phao xốp trong lồng bè nuôi trồng thủy sản trong vịnh.
Các khu vực nuôi trồng thủy sản trong vịnh Hạ Long hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng hệ nổi bằng phao xốp. Trong khi đó, phao xốp có kết cấu kém bền vững, chỉ cần có tác động của sóng, gió mạnh là sẽ bị phân mảnh và trôi nổi trên mặt biển.
Đáng chú ý, khi bị phân tán thành mảnh nhỏ, các hạt phao xốp lại càng khó thu gom hơn, và theo sóng trôi dạt vào bờ biển hoặc các vách đá. Hơn nữa, các mảnh phao xốp này còn gây hại cho các sinh vật biển khi có hình dạng giống với nguồn thức ăn.
Tuy nhiên, với lợi thế giá thành rẻ, thông dụng, xốp vẫn được phần lớn ngư dân sử dụng làm bệ nổi lồng bè. Tuy nhiên, nếu tính chi phí cho phao xốp thì không hề rẻ, do độ bền của phao xốp thấp, dẫn tới phải thay thường xuyên, chưa kể công tác thu gom sau khi hỏng hóc, thay mới.
Từ sáng kiến đến thực tiễn
Thói quen vứt bỏ ngay rác thải, ngư cụ hỏng trên biển khiến rác thải nhựa chiếm tới 92% về số lượng rác trên bờ biển trong khảo sát mà IUCN thực hiện năm 2019.
Còn báo cáo của nhóm các nhà khoa học môi trường Mỹ và Australia mang tên Jambeck năm 2015, rác thải nhựa đang gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho các loài sinh vật biển. Hiện có khoảng 70% mảnh nhựa lớn trên biển và 46% đảo rác lớn trong khu vực Thái Bình Dương được hình thành từ các ngư cụ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trên biển. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới có lượng rác thải nhựa quản lý chưa hiệu quả, với tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương ước tính từ 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm.
Để tăng cường thu gom rác thải nhựa nói chung và rác thải hình thành từ ngư cụ nói riêng, ngày 4/12/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch Hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương bao gồm các mục tiêu cụ thể vào năm 2030 như giảm khoảng 75% luợng rác thái nhựa; thu gom 100% lưới đánh cá bị thất lạc, bỏ đi; 100% các vùng ven biển, các điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Việc giảm thải rác thải nhựa cũng đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, nếu không có kế hoạch thu gom, giảm thiểu rác thải nhựa thì nó sẽ tác động ngược lại, trực tiếp tới người nuôi tại khu vực đó.
Do đó, giảm thiểu, hạn chế rác thải nhựa trong vùng nuôi trồng thủy sản là bảo vệ chính bản thân ngư dân nuôi trồng thủy sản.
Theo UICN, hiện nay sáng kiến về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã và đang được thí điểm và triển khai ở các nước trên thế giới và trong đó có Việt Nam để vừa hạn chế rác thải nhựa mà vẫn đảm bảo sản lượng nuôi trồng, đánh bắt của ngư dân, hướng đến phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến này vẫn còn cần sự trợ giúp từ các cấp ngành chính quyền.
Ông Trần Đình Luân cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện “Điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa (lĩnh vực thuỷ sản)”. Đây sẽ là cơ sở để các tỉnh ven biển phát triển nền kinh tế hướng ra biển nhưng vẫn phải đảm bảo bền vững về mặt môi trường, sinh thái.