Cảnh báo: Dùng sai thuốc bệnh nhân sốt xuất huyết nặng hơn

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cả ở trẻ em và người lớn. Việc điều trị, ngoài việc tăng cường miễn dịch, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và vitamin, người bệnh phải dùng thuốc đúng.

Dịch sốt xuất huyết đang xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đầu năm 2021 đến nay cả nước đã có gần 60.000 người mắc bệnh, 18 người tử vong. Bên cạnh việc phòng, chống dịch COVID-19, hãy lưu ý khi điều trị:

Sốt xuất huyết do virus gây ra nên cách điều trị tốt nhất là tăng cường hệ miễn dịch để cơ thể sản sinh kháng thể chống lại bệnh. Để cải thiện hệ miễn dịch, người bệnh cần được nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin.

Điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng và phòng ngừa sốc. 4 lưu ý sau đây sẽ giúp bạn sớm đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết:

dieu-tri-sxh.jpg
Cách điều trị sốt xuất huyết hiệu quả.

Dùng thuốc hạ sốt: Bệnh nhân sốt xuất huyết trong những ngày đầu thường bị sốt cao sẽ cần sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol, không sử dụng thuốc hạ sốt aspirin hoặc ibuprofen. Việc sử dụng sai thuốc hạ sốt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, như aspirin có tác dụng ngăn tiểu cầu tập kết, khiến bệnh nhân xuất huyết nặng hơn.

Hỗ trợ hạ sốt: Sốt cao khiến người bệnh khó chịu, suy kiệt. Có thể dùng một số cách giúp hạ sốt: đắp khăn ấm lên trán, lau nách, lau người bằng nước ấm,…

Bù nước và điện giải: Bù nước và điện giải giúp hạ sốt và tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Người lớn cần uống nhiều nước, 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày, tốt nhất là uống Oresal, ngoài ra có thể bổ sung nước trái cây, nước gạo rang... Lưu ý pha Oresal theo đúng hướng dẫn trên gói, viên thuốc.

Chế độ dinh dưỡng: Người bị sốt xuất huyết luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi và không muốn ăn. Do hệ miễn dịch và sức đề kháng lúc này đang kém nên chế độ dinh dưỡng là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Để cơ thể có sức và nhanh hồi phục, người bệnh nên chú ý những thực phẩm nên và không nên dùng.

Thực phẩm nên ăn: Người bệnh cần bổ sung nhiều nước. Uống bù nước, uống nhiều nước ép trái cây như: cam, dừa, bưởi....Nên ăn cháo loãng. Cháo nấu thịt nạc, thịt gà... với cà rốt và các loại rau, củ, quả...

Nên kiêng thức ăn nhiều dầu mỡ; đồ ăn cay nóng; đồ uống ngọt, mật ong và các loại đường tự nhiên khác. Tránh uống rượu và cà phê...

Sinh hoạt: Không tắm, ngâm người lâu. Không tắm nước lạnh. Nếu bị hạ tiểu cầu tránh kỳ cọ mạnh.

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cả ở trẻ em hay người lớn. Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được theo dõi cẩn thận, chăm sóc y tế khi có dấu hiệu sốc do xuất huyết nặng, xử lý kịp thời nếu có biến chứng.

Vì thế không được chủ quan, khi thấy bất cứ dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám và theo dõi. Điều trị sốt xuất huyết tại nhà cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

ThS.BS Trần Thu Nguyệt (Bộ Y tế)

Theo Đời sống
back to top