Theo cảnh báo từ Bộ Công an, việc hợp pháp hóa trồng cây cần sa ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan..., có nguy cơ ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống ma túy trong nước. Đặc biệt, thời gian qua đã xuất hiện công nghệ trồng cần sa được chuyển giao thông qua mạng xã hội.
Điển hình ngày 20/7, Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã khám phá vụ án mua bán trái phép chất ma túy, bắt 2 đối tượng. Qua đấu tranh, xác định các đối tượng lập Công ty dịch vụ vận tải tại tòa nhà 3 tầng ở huyện Đông Anh (thực tế không hoạt động) để ngụy trang cho hoạt động trồng và mua bán trái phép cần sa. Tòa nhà được đóng kín cửa, bên trong lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, thông gió, tưới nước, cung cấp khí C02, phân bón để cây cần sa phát triển như điều kiện tự nhiên. Vật chứng thu giữ 506 cây cần sa cùng các hộp nhựa và túi nilon có chứa bột thảo mộc khô cùng nhiều công cụ, phương tiện để ươm và chăm sóc cây cũng như các dụng cụ để đóng gói ma túy thành phẩm.
Một trường hợp trồng trái phép cần sa trên nóc nhà bị Công an quận Hà Đông phát hiện. |
Trước đó, Công an Hà Nội đấu tranh, phát hiện, bắt giữ một số đối tượng mua bán các loại thảo mộc (cuốn như điếu thuốc lá) được đóng gói thành bao, bên ngoài bao bì dán nhãn TOBACCO (dạng túi Zip). Trong thảo mộc này, cơ quan công an đã phát hiện chất ADB-BUTINACA (được quy định trong danh mục chất ma tuý tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ).
Thủ đoạn của các đối tượng dùng chất này tẩm vào các loại thảo mộc hoặc pha trộn, chế biến thành các viên "chocolate". Điển hình, ngày 18/11, Công an quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội đã bắt tạm giam 6 đối tượng để điều tra về các tội sản và mua bán trái phép chất ma túy; không tố giác tội phạm. Đây là đường dây liên quan đến vụ án sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy xảy ra tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Lê Văn Tuấn lập "đại lý" thảo mộc khô dạng sợi có chứa chất ADB-BUTINACA, thuộc danh mục ma túy để bán cho khách.
Bên cạnh đó, hiện nay xuất hiện thủ đoạn pha trộn nhiều loại ma túy với nhau, sau đó đóng thành từng gói bột nhỏ với bao bì hình ảnh màu sắc bắt mắt, thu hút giới trẻ sử dụng có tên gọi khác nhau như “nước vui”, “Crispy Fruit” (nước xoài)..., thành phần ma túy chủ yếu là chất MDMA. Các chuyên gia đã cảnh báo người sử dụng ma túy sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ảo giác mạnh, loạn thần kiểu tâm thần phân liệt, tăng thân nhiệt, co giật và có thể ngay lập tức đe dọa đến tính mạng nếu sử dụng quá liều.
Trước sự xuất hiện các loại ma túy mới, công nghệ trồng cần sa tinh vi, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã báo cáo Ban Giám đốc CATP Hà Nội xin ý kiến triển khai các biện pháp phòng ngừa. Cùng với phòng ngừa nghiệp vụ, quyết liệt đấu tranh, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt giới trẻ về tác hại, sự nguy hiểm của ma túy và tội phạm này.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phối hợp với Công an quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô tổ chức tuyên truyền cho người dân nhận diện ma túy, cảnh báo, phòng ngừa tại học đường... Qua đó đã phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực tiếp vào sáng thứ 2 đầu đầu, dán băng rôn, khẩu hiệu và các pano cảnh báo, tránh xa ma túy, tác hại của ma túy.
Tại nơi công cộng, khu dân cư, lực lượng Công an đã dán pano, tranh nhận biết về các chất ma túy, nhất là các chất ma túy mới dưới các hình thức như bánh socola, bánh quy cần sa, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử..., tại các khu vực bảng tin tổ dân phố, khu chung cư để người dân nhận biết.
Theo thượng tá Phạm Quỳnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, CATP Hà Nội: “Để triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố, cần được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân hỗ trợ cùng lực lượng chức năng phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ về hậu quả, tác hại của việc sử dụng ma túy và các chất kích thích khác”.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn ma túy trong đời sống, Công an thành phố đã chủ động tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 138 thành phố có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trên cổng thông tin điện tử về các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, trọng tâm là các chất mới, thực hiện tuyên truyền trong cụm dân cư, xã, phường, ngõ, xóm.
>>> Xem thêm video: Hà Nội: Triệt phá đường dây ma tuý lớn, thu giữ gần 60 kg ma túy
Nguồn: ĐTHĐT.