Từ đầu tháng 10, Bắc Kinh đã điều hơn 150 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, trong một nỗ lực nhằm đe dọa chính quyền tại hòn đảo này.
Trong những ngày gần đây, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng tổ chức các cuộc tập trận đổ bộ lớn trên đất liền đối diện Đài Loan, như một sự phô trương lực lượng. Từ đó dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định an ninh trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính thậm chí đã cảnh báo cơ quan lập pháp Đài Loan vào đầu tháng này rằng Bắc Kinh có thể phát động một cuộc xâm lược "toàn diện" vào hòn đảo này vào năm 2025.
Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh, Mã Hiểu Quang, gọi cuộc tập trận là một động thái "chính đáng" nhằm vào "các hoạt động ly khai" trên hòn đảo được coi là "thông đồng với các lực lượng nước ngoài" - ám chỉ các hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan.
Trọng tâm trong quan điểm của Bắc Kinh luôn khẳng định: Đài Loan với 23 triệu dân là một tỉnh ly khai, và cuối cùng sẽ phải "thống nhất" với phần còn lại của Trung Quốc.
Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép cho mục tiêu "tái thống nhất hòa bình", nhấn mạnh vào thông điệp không loại trừ việc sử dụng vũ lực quân sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gia tăng sức ép đối với Đài Loan, khiến việc tái thống nhất trở thành một mục tiêu đã nêu trong “Giấc mộng Trung Hoa”.
Kể từ khi lên nắm quyền trở lại vào năm 2016, chính phủ của bà Thái Anh Văn ngày càng nghiêng về vị thế tự trị riêng biệt của hòn đảo, nhưng không tuyên bố độc lập - điều mà Bắc Kinh coi là lằn ranh đỏ.
Câu hỏi về Đài Loan
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một di tích của sự xấu hổ quốc gia, từ khi hòn đảo này bị Nhật Bản chiếm từ triều đại nhà Thanh năm 1895.
Vào cuối cuộc Nội chiến Trung Quốc năm 1949, Chính phủ Quốc dân Đảng (KMT) của Trung Hoa Dân Quốc (ROC) bị đánh bại đã rút lui về Đài Loan, nơi họ thu hồi vào cuối Thế chiến thứ hai.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố đại lục là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa). Và cả hai bên đều để mắt đến sự thống nhất cuối cùng của Trung Quốc.
Cả Trung Hoa Dân Quốc và CHND Trung Hoa đều tiếp tục tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với hòn đảo này. Kể từ đó Trung Quốc thường xuyên đe dọa giải phóng hòn đảo này bằng vũ lực.
Mỹ duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc cho đến năm 1979, tức là tới khi Mỹ chuyển sang công nhận Bắc Kinh. Tại thời điểm đó Đài Loan không phải là nền dân chủ như ngày nay, mà là một chế độ độc tài.
Khi chuyển đổi công nhận ngoại giao đối với Bắc Kinh, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tuân thủ Chính sách "Một Trung Quốc".
Đối với cách hiểu thông thường, điều đó có nghĩa Mỹ đã sự thừa nhận rằng chính thể Trung Quốc là ở hai bên eo biển Đài Loan.
Nhưng thực tế, tình trạng của Đài Loan vẫn chưa được xác định, mà dự kiến sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Đối với Bắc Kinh, điều đó có nghĩa là Đài Loan thuộc "Một Trung Quốc".
Những cách giải thích khác nhau về chính sách này là nền tảng của mối quan hệ Mỹ - Trung suốt nhiều chục năm qua.
Để đảm bảo với Đài Loan, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Trong đó, kêu gọi chính phủ Mỹ duy trì quan hệ không chính thức trên thực tế với Đài Bắc. Đồng thời cho phép Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan để tự vệ.
Tuy nhiên, hành động này không đảm bảo rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu Bắc Kinh tấn công hoặc xâm chiếm hòn đảo. Nhưng, nó đã thiết lập một "sự mơ hồ chiến lược" với hy vọng ngăn cản Bắc Kinh tấn công, và Đài Bắc đơn phương tuyên bố độc lập.
Bắc Kinh nhanh chóng bắt đầu đề nghị cho Đài Bắc lựa chọn “thống nhất hòa bình”.
Khi Hồng Kông chuẩn bị được giao lại từ Anh cho Trung Quốc vào năm 1997, Bắc Kinh đề xuất sử dụng nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" được đặt ra cho Hồng Kông, như là một mô hình để đưa Đài Loan trở lại thế giới Hoa ngữ và thế giới nói chung.
Cô lập chính phủ Thái Anh Văn
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, bà Thái Anh Văn đã từng bước đi đến giới hạn có thể chấp nhận được của mối quan hệ xuyên eo biển. Nhưng chưa bao giờ công khai chấp nhận Hiệp định đồng thuận năm 1992, điều này khiến Bắc Kinh tức giận.
Gần như ngay lập tức Bắc Kinh cắt đứt mọi đường dây liên lạc chính thức với chính phủ DPP của bà Thái Anh Văn, coi DPP là những kẻ ly khai.
Bắc Kinh đã đình chỉ tất cả các đoàn du lịch của Trung Quốc đến hòn đảo này.
Trung Quốc sau đó bắt đầu cố gắng giành nốt các đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan, với hy vọng cô lập hoàn toàn chính phủ hòn đảo này.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Thái Anh Văn, bà đã mất 7 đồng minh ngoại giao vào tay Bắc Kinh.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019, và việc lo sợ về sự xâm lấn gia tăng của Bắc Kinh... đã khiến triển vọng về “Một quốc gia, hai chế độ” đã trở nên vô cùng khó khăn. Khi mà cả Quốc dân đảng và DPP đều công khai bác bỏ khả năng đó đối với Đài Loan.
Chiến tranh 'Vùng xám' trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang rạn nứt
Sau khi khống chế được đại dịch COVID -19, Bắc Kinh bắt đầu tái tập trung chiến dịch gây áp lực lên Đài Loan, ngay khi mối quan hệ của họ với Washington bắt đầu rạn nứt.
Bắc Kinh nhanh chóng bắt đầu sử dụng “chiến tranh vùng xám” cấp độ thấp để làm kiệt quệ tinh thần quân đội và người dân Đài Loan.
Năm 2020, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện 380 cuộc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Đài Bắc đã điều động máy bay chiến đấu để đáp trả mỗi lần. Nhưng các cuộc xâm nhập liên tục gia tăng trong năm 2021
Đáp lại, Mỹ đã can dự vấn đề Đài Loan một cách cởi mở hơn. Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã loại bỏ tất cả các hạn chế giữa các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan trong những ngày cuối cùng của Chính quyền Trump, khiến Bắc Kinh tức giận.
Còn chính quyền Biden đã tiến xa hơn, bằng cách khuyến khích quan hệ với các quan chức Đài Loan, thậm chí còn mời phái viên Đài Loan tới lễ nhậm chức của Tổng thống Biden.
Trong một diễn biến đồng thời, Bắc Kinh đang nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy trên khắp đất nước này. Một phần được thúc đẩy bởi thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn COVID-19.
Quan điểm ngày càng được củng cố khi công dân Trung Quốc được giáo dục rằng các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang ở trong tình trạng suy vong. Được minh chứng bởi sự thất bại của các nước phương Tây trong kiểm soát đại dịch.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ khi đưa tin về cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan. Tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, Global Times cho rằng Mỹ là quốc gia không đáng tin cậy, đặt câu hỏi liệu Afghanistan có phải là "một điềm báo nào đó cho số phận tương lai của Đài Loan?"
Cũng giống như người Mỹ ngày càng có cái nhìn bất lợi về Trung Quốc, thì công chúng Trung Quốc ngày càng có cái nhìn đối nghịch với người Mỹ.
Kết quả công bố từ Tổ chức Eurasia Group cho thấy, chỉ có gần 35% người Trung Quốc có quan điểm tích cực về Mỹ, so với 57% chỉ hai năm trước đó.
Hải quân Trung Quốc được coi là lực lượng lớn nhất thế giới, tính theo số lượng tàu. Điều đó có nghĩa, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chuẩn bị cho các quan chức và quân đội Trung Quốc cho những ngày thử thách sắp tới.
Trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, ông Tập từng phát biểu: “Chúng ta phải kiên trì củng cố kế hoạch tổng thể về chiến tranh và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự”.
Tháng 9 vừa qua, ông Tập nói với các quan chức trẻ của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn quan trọng, và những rủi ro và thách thức mà chúng ta phải đối mặt đang gia tăng một cách rõ ràng. Không thực tế khi luôn mong đợi những ngày dễ dàng và không muốn vật lộn”.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Với việc Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng quyền lực trong nước chưa từng có, ngoài sức ép về khôi phục kinh tế sau đại dịch, đế chế bất động sản Trung Quốc Evergrande tới bờ phá sản đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh kinh tế của nước này.
Một cuộc họp lãnh đạo lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 và nhiệm vụ tổ chức Thế vận hội Mùa đông trong vài tháng tới, Bắc Kinh đang có thêm một số những vấn đề cấp bách cần giải quyết hơn là đi vào xung đột với Đài Loan.
Sau cường độ xâm nhập khu vực phòng thủ chưa từng có, có vẻ như cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều cố gắng tạm thời hạ nhiệt căng thẳng, thể hiện trong các bài phát biểu riêng biệt nhân kỷ niệm chung trên eo biển Đài Loan vào cuối tuần trước.
Trong khi ông Tập nhắc lại mong muốn "thống nhất", ông nhấn mạnh rằng "các giải pháp hòa bình phục vụ tốt nhất cho lợi ích của toàn thể dân tộc Trung Quốc, bao gồm cả đồng bào ở Đài Loan”.
Còn Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi đối thoại với Bắc Kinh trên "cơ sở ngang hàng".
Điều này diễn ra khi Bắc Kinh và Washington đã cố gắng ổn định mối quan hệ của họ trong những tuần gần đây, bằng một loạt cuộc gặp cấp cao.
Ngay cả khi có báo cáo về sự hiện diện nhỏ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được triển khai để huấn luyện các lực lượng Đài Loan trên đảo - một hành động mà Bắc Kinh có thể coi là vi phạm lằn ranh đỏ của họ - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chọn làm nổi bật quá trình xúc tiến quan hệ hai nước.
Lựa chọn này được thực hiện trong cuộc họp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia của Biden Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì, mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình cuối năm nay.
Khi được hỏi về căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, Tổng thống Biden nói với báo chí rằng ông đã nêu vấn đề với ông Tập trong một cuộc gọi.
"Tôi đã nói chuyện với ông Tập về Đài Loan. Chúng tôi đồng ý sẽ tuân thủ thỏa thuận Đài Loan. Chúng tôi đã nói rõ rằng tôi không nghĩ ông ấy không nên làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận."
Nhưng Mỹ đồng thời gửi thông điệp đến Bộ Ngoại giao Đài Loan, nhấn mạnh Mỹ đảm bảo cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là "vững chắc".
Trong khi Bắc Kinh tiếp tục cảnh báo Mỹ không nên tiếp tục sử dụng cái được gọi là "Con bài Đài Loan" trong chiến lược của mình.
Mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục diễn ra như thế nào trong những ngày tiếp theo có thể là vấn đề mấu chốt cuối cùng quyết định tương lai của Đài Loan.