Cần trưng cầu ý kiến giáo viên, học sinh, phụ huynh trong lựa chọn sách giáo khoa

(khoahocdoisong.vn) - Các tỉnh có thể tùy theo tình hình thực tế tổ chức chọn SGK theo các cách khác nhau nhưng cần có các hình thức để trưng cầu ý kiến giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh. Quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch.

Đó là ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội liên quan tới việc lựa chọn sách giáo khoa.

Đại biểu Phạm Tất Thắng.

Đại biểu Phạm Tất Thắng.

Theo ông Thắng, tâm lý chung ở nhiều địa phương là nỗi lo lắng nhiều bộ sẽ khó dạy, khó cho thi cử...

Cho nên, việc cần quan tâm làm trong lúc này là tuyên truyền về việc thay đổi bản chất trong sử dụng SGK. Khi việc này được hiểu đúng thì việc chọn SGK sẽ giảm bớt căng thẳng. 

Đối với lo ngại rằng có thể nhiều tỉnh sẽ theo xu thế "chọn một bộ" và từ đó có thể xuất hiện lợi ích nhóm, ông Thắng cho rằng, đó chỉ là giả định nên sẽ khó nói cụ thể.

Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện đúng thông tư hướng dẫn chọn SGK và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức chọn sách, tập huấn sử dụng sách... Những vấn đề tiêu cực, nếu có bằng chứng rõ ràng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. 

Theo Luật giáo dục 2019 thì sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK. Các tỉnh có thể tùy theo tình hình thực tế tổ chức chọn SGK theo các cách khác nhau.

Tuy nhiên, cần có các hình thức để trưng cầu ý kiến giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, cân nhắc đến tính phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy học. 

Quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch. Trong trường hợp mỗi tỉnh, thành chỉ chọn 1 bộ thì tính đa dạng hóa SGK là có, so với cơ chế độc quyền hiện nay. Chưa kể chương trình mới thiết kế mở và có phần giáo dục địa phương cho phép các nhà trường có thể đưa nội dung giáo dục phù hợp với đặc thù mỗi vùng miền vào dạy học.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có cuộc họp báo chính thức công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 tại trụ sở Bộ GD&ĐT.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trước tháng 3/2020, địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục SGK được Bộ GD&ĐT ký thông qua ngày 21/11.

Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở GD&ĐT cùng NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường tập huấn, các NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản.

Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021.

Theo Đời sống
back to top