Bôi muỗi đốt cả tay lẫn chân
Theo chị Nguyễn Thị Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh, nhà chị có con nhỏ nên thường xuyên sử dụng kem bôi muỗi đốt. Chị mua sản phẩm Remos về dùng, mỗi ngày bôi có khi cả mảng lớn, đến chục lần… Khi dùng thì chị chủ quan nghĩ rằng nó chỉ là gel bôi như ghi trên bao bì, lại dùng cho trẻ nhỏ là dạng kem thuộc thực phẩm chức năng.
Thế nhưng, sau này chú ý thì mới hay đây là thuốc, lại có thành phần Prednisolone Valerate Acetate thuộc nhóm corticoid nên rất lo lắng. Còn anh Nguyễn Hoài Nam (Gia Lâm, Hà Nội) luôn sợ con nhỏ bị muỗi đốt vào mùa này nên thường xuyên sử dụng kem bôi chống muỗi đốt. Anh bôi khắp chân, tay của con để chống muỗi với lớp kem dày.
Theo ThS.BS Đỗ Xuân Khoát, nguyên Trưởng khoa Da liễu – Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, kem bôi muối đốt hiện nay có nhiều loại, tuy nhiên khi sử dụng cần lưu ý để tránh những rắc rối đáng tiếc.
Cụ thể, vị chuyên gia cho hay, đối với các loại kem bôi muỗi đốt, tức đã bị muỗi đốt gây ngứa, nổi mẩn thì các loại kem này sẽ giúp làm dịu vết đốt từ đó giảm ngứa và sưng. Hiện có loại thuốc sử dụng thành phần corticoid nhưng với hàm lượng thấp nên nguy cơ gây ảnh hưởng chưa cao. Nhưng để an toàn, cần sử dụng đúng cách, như chỉ bôi khoảng 1 – 3 lần. Trong hướng dẫn sử dụng bôi vài lần trong ngày, nên được hiểu là khoảng 3 lần là nhiều.
Không nên nghĩ rằng, vì ở ngoài da nên bôi một cách “vô tội vạ”, bôi quá nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, khi bôi các thuốc này chỉ nên bôi ở mảng nhỏ, đúng vào vết muỗi đốt, tránh bôi tràn lan ra các khu vực xung quanh để hạn chế tối đa nguy cơ của chất corticoid.
“Nhiều người bôi kem nhưng để an toàn nên bôi nhiều lần cũng như bôi cả mảng lớn ở tay, chân cho trẻ là không đúng. Với hàm lượng thấp, khi bôi ít sẽ không có tác dụng phụ nhưng khi bôi nhiều có thể có những nguy cơ, biến chứng. Trong đó, corticoid là thành phần có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nhất là với trẻ nhỏ càng không tốt”, ThS.BS Đỗ Xuân Khoát cho hay.
Không nên lạm dụng kem bôi chống muỗi đốt.
“Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị muỗi chích là sử dụng các biện pháp cơ học, sinh học. Cụ thể, đối với trẻ nên hạn chế tiếp xúc với những nơi có nhiều muỗi, phải mặc áo quần dài cho trẻ và cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày. Để phòng chống muỗi, người dân nên dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ như phát quang bụi rậm; súc rửa lu vại chứa nước, bình bông… mỗi tuần một lần; dẹp bỏ những vỏ chai, gáo dừa… không sử dụng để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi”.
PGS.TS Phạm Thị Khoa
Tránh lạm dụng kem bôi chống muỗi
Ở góc độ khác, PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư cho hay, các bậc cha mẹ cũng tránh lạm dụng kem chống muỗi đốt. Mặc dù, về nguyên lý các kem bôi chống muỗi được phép lưu hành của Bộ Y tế đều sử dụng được. Nhưng vì các kem này thường chứa các hóa chất, trong đó có hóa chất deet nên sẽ có tác dụng phụ. Đối với trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với các sản phẩm này do hệ thống chức năng miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh.
Theo đó, để xua muỗi cho trẻ nên dùng kem có chất từ thiên nhiên như sả, hoa oải hương, cây xoan cạn… Những cây này dù có mùi khó chịu và thời gian bảo vệ ngắn chỉ sau 1 – 2 giờ sau bôi kem nhưng về cơ bản sẽ an toàn hơn. Hiện nay, có các loại hương muỗi, thuốc xịt muỗi cho nhà bằng thảo dược dùng được cho trẻ em và người mang thai, như thế khi xịt lên trẻ cũng tránh được muỗi đốt.
Hiền Dung