Trao đổi với Dân trí, BS Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Bệnh biện 19-8 cho biết: “Bệnh nhân Đ.T.A. là Công an huyện Gia Viễn – Ninh Bình, bị bệnh nhiều năm nhưng không phát hiện ra. Nguyên nhân nay được bác sĩ Bệnh viện 19-8 và chuyên gia nước ngoài xác định là tồn tại Shunt động tĩnh mạch tại xương đốt 1 ngón III tay phải (theo y văn đây là bệnh cảnh hiếm gặp), được phẫu thuật bơm xi măng bước đầu cải thiện tốt tình trạng tuần hoàn tại ngón tay 3 và giảm đau rõ rệt”.
Hình ảnh của ca bệnh cảnh hiếm gặp.
Suy tĩnh mạch hiển là hiện tượng hỏng hệ thống van của tĩnh mạch tạo ra vòng luẩn quẩn và tăng áp lực máu ở ngoại biên. Làm loạn dưỡng tổ chức, vùng dễ tổn thương nhất là vùng mắt cá chân. Tình trạng này càng nặng lên nếu bệnh nhân bị đái tháo đường hay bệnh lý mạch máu khác phối hợp.
Nguyên nhân của suy tĩnh mạch hiển có thể do cơ địa, yếu tố gia đình hay hậu quả của huyết khối tĩnh mạch sâu. Biểu hiện bệnh là hình ảnh các mạch máu ở cẳng chân nổi ngoằn ngoèo dưới da, bệnh nhân có cảm giác căng tức nặng chân khi đi lại hoặc đứng lâu, giảm khi nằm nhất là nằm kê cao chân.
Nặng hơn có thể có hiện tượng viêm loét da vùng mạch bị tổn thương. Tùy mức độ bệnh mà có phương pháp điều trị, trường hợp bệnh nhẹ thì cho bệnh nhân mặc tất chun, nặng hơn có thể gây bít tắc mạch bằng tiêm xơ. Tuy nhiên, để điều trị triệt để vẫn là phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch hiển và các nhánh giãn của nó.
Trước đó, trong các ngày từ 25 – 29/9/2017, BS Claude LAURIAN, chuyên gia y tế Cộng hòa Pháp và Công ty Mediaguard phối hợp với Bệnh viện 19-8, tổ chức hội nghị khoa học chuyên ngành bệnh lý Tĩnh mạch Hiển, dưới sự chủ trì của TS Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện, dự hội nghị có các bác sĩ chuyên nghành phẫu thuật mạch máu, can thiệp mạch và chẩn đoán hình ảnh, nội tiết. Hội thảo diễn ra sôi nổi với phần trình bày của BS Claude LAURIAN.
Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện 19-8, các chuyên gia đã khám cho hàng chục bênh nhân và phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân bị suy tĩnh mạch hiển.
Theo Nguyễn Hùng (Báo Dân trí)