Hỏi: Xem tivi, đọc báo tôi thấy các bác sĩ Việt Nam đã giải quyết được nhiều ca bệnh tim khó, kể cả nhồi máu cơ tim cấp. Tôi mắc bệnh tim nhiều năm, đã từng đột quỵ, bố tôi từng bị nhồi máu cơ tim không cấp cứu kịp. Vừa qua, nghe nói Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông, xin nói cụ thể về kỹ thuật này?
Nguyễn Kỳ Vĩ (Cinputra- Hà Nội)
Cẩn thận với đau thắt ngực.
TS.Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch VN cho biết, phương pháp này được Thụy Sĩ khởi xướng từ năm 1978 để điều trị bệnh động mạch vành nhưng càng ngày càng được cải tiến để vừa cứu sống người bệnh, vừa mang lại chất lượng sống cho người bệnh.
Về nguyên lý cơ bản của phương pháp này là qua đường ống thông nhỏ (đường kính cỡ khoảng > 2mm), được luồn từ một vị trí chọc từ ngoài vào từ động mạch đùi hoặc động mạch quay, đưa tới miệng (lỗ xuất phát) của nhánh động mạch vành bị hẹp hoặc tắc.
Sau đó sẽ luồn một dây dẫn nhỏ (đường kính khoảng 0,3mm) qua chỗ hẹp, tắc, sau đó luồn bóng với đường kính tương ứng mạch vành nơi tổn thương trên dây dẫn đến chỗ hẹp, tắc và bơm bóng lên áp lực quy định, sau đó có thể luồn stent để đặt tại chỗ hẹp, định vị, bơm bóng stent để stent nở ra áp vào chỗ hẹp rồi làm xẹp bóng và rút bóng ra, stent được nằm tại vị trí hẹp ở trạng thái nở hoàn toàn và giúp cho mạch vành được thông.
Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, can thiệp động mạch vành qua đường ống thông giúp bệnh nhân mau chóng qua cơn hiểm nghèo, tăng tuổi thọ người bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
PV ghi