Hỏi: Bố tôi đau chân được chẩn đoán bệnh động mạch chi dưới và được chỉ định can thiệp động mạch chậu – chi dưới qua da bằng ống thông. Xin KH&ĐS cho biết về bệnh và phương pháp thực hiện này?
Đỗ Phương (Nam Định)
PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch Bệnh viện T.ƯQuân đội 108: Bệnh động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do vữa xơ động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Bệnh nhân dễ mắc bệnh động mạch chi dưới nếu có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì…
Mục tiêu điều trị cơ bản bệnh động mạch chi dưới là mở thông động mạch chậu - chi dưới. Hai phương pháp mở thông động mạch chậu - chi dưới là: (1) Nong-đặt stent động mạch chậu-chi dưới qua da bằng ống thông (can thiệp mạch) và (2) Phẫu thuật làm cầu nối động mạch.
Can thiệp động mạch chậu-chi dưới qua da bằng ống thông là dùng dụng cụ can thiệp động mạch chi dưới là các dây dẫn, ống thông gắn bóng và stent, được đưa đến vị trí tổn thương qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi. Ống thông gắn bóng được đưa vào vị trí hẹp-tắc của mạch để mở rộng lòng mạch. Tiếp theo, stent kim loại (giá đỡ) gắn trên một ống thông khác được đưa vào để mở rộng lòng mạch về mức bình thường và giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại.
Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu được phục hồi, các triệu chứng đau, mỏi chân khi đi bộ và đau khi nghỉ do thiếu máu sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử co cơ hội liền sẹo nhanh. Tuy nhiên phần hoại tử nặng không thể hồi phục được bắt buộc phải cắt bỏ.
Can thiệp mạch chậu-chi dưới có thể có tai biến biến chứng từ nhẹ đến nặng: phản ứng thuốc cản quang các mức độ khác nhau, chảy máu vị trí chọc kim, phồng giả động mạch, bóc tách thành động mạch, tắc mạch cấp tính…