Cẩn thận u nhú mũi có xu hướng ác tính hóa

Papilôm (u nhú) mũi là bệnh thường gặp lành tính nhưng có xu hướng ác tính hóa, gây tắc mũi, chảy máu…
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/can-than-u-nhu-mui-co-xu-huong-ac-tinh-hoa1.jpg

Ảnh minh họa.

Là u lành tính xuất phát từ biểu mô niêm mạc mũi, đặc biệt ở đầu cuốn dưới hoặc ở phần trước và dưới của vách ngăn. U này chỉ ở một bên mũi.

Papilôm mũi phát triển rất chậm. Lúc đầu u còn nhỏ chưa có triệu chứng gì đặc biệt. Về sau u lớn lên gây ra ngạt mũi một bên và chảy máu cam, đau nhức vùng mặt, giảm ngửi hoặc mất ngửi, có thể xì ra máu mũi.

Soi mũi thấy sần sùi, lổn nhổn như quả dâu tằm, màu hồng hoặc màu đỏ sẫm dễ chảy máu. Khối u thường bám sát vào niêm mạc nhưng đôi khi có cuống ngắn. U ngày càng lớn và bịt tắc mũi. Papilôm có khả năng tự thoái triển nhưng cũng có thể ung thư hóa.

Xét nghiệm: Luput, ung thư, loét vách ngăn bằng sinh thiết. Chụp cắt lớp vi tính (CT) để xác định vị trí khối u, đánh giá lan rộng của khối u ra các xoang, các vùng lân cận. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, CT khó phân biệt khối u với ứ đọng dịch và niêm mạc dày do bít tắc lỗ thông mũi xoang.

Chụp cộng hưởng từ cho phép phân biệt u với các tổn thương do tắc lỗ thông mũi xoang (dày niêm mạc, polyp, dịch trong xoang), đánh giá những tổn thương xâm lấn phần mềm và nền sọ tốt hơn chụp CT. Xét nghiệm mô bệnh học giúp xác định u nhú và phân loại u nhú.

Bệnh điều trị bằng phẫu thuật càng sớm càng tốt. Lấy hết bệnh tích u. U nhú thường tiên lượng tốt hơn u nhú đảo ngược do ít tái phát và hiếm phát triển thành tổn thương ác tính. U giai đoạn sớm (I, II) tiên lượng tốt hơn giai đoạn muộn (III, IV).

U nhú mũi xoang, đặc biệt là u nhú đảo ngược có khả năng chuyển thành tổn thương ác tính với tỷ lệ từ 7 – 10%.

BS Tuấn Anh

(Bệnh viện K)

Theo Đời sống
back to top