Không khuyến cáo dùng để giảm đau
BS Trịnh Thế Cường, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện E cho biết, nhiều bệnh nhân ung thư tìm mua cần sa y tế mà không hiểu rõ về nó dẫn tới những tác hại khó lường. Cần sa y tế là dẫn xuất của cây cần sa được sử dụng để giảm một số triệu chứng bệnh. Cần sa chứa nhiều hợp chất, nhưng 2 hợp chất được chú ý nhiều trong y tế đó là THC (delta-9 tetrahydrocannabinol) và CBD (cannabidiol).
Theo BS Trịnh Thế Cường, CBD là một phân tử xuất hiện tự nhiên không gây phê, tìm thấy trong cây cần sa và cây gai dầu. Loại dầu CBD duy nhất được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) cấp phép điều trị động kinh kháng trị có tên Epidiolex. Mặc dù CBD được quảng cáo dùng cho nhiều tình trạng bệnh khác nhau, tuy nhiên không có dữ liệu về lợi ích và rủi ro nào trong điều trị đau do ung thư. Vì vậy, không khuyến cáo sử dụng CBD trong điều trị đau do ung thư.
THC là chất gây phê cho người sử dụng. Hiện trên thị trường có 3 sản phẩm từ THC tổng hợp: 2 loại thuốc: Dronabinol [delta-9-THC] và nabilone) chỉ được FDA chấp thuận điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị liệu và kích thích sự thèm ăn trong các bệnh làm hao mòn sức khỏe. Bên ngoài Mỹ, nabiximols (Sativex), một loại thuốc xịt chiết xuất của cây cần sa và chủ yếu chứa THC cộng với CBD, có bán ở hơn 20 quốc gia. Nó được phê duyệt để điều trị co cứng liên quan đến bệnh đa xơ cứng và như một thuốc giảm đau trong đau do ung thư không đáp ứng opioid.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về tác dụng giảm đau của cần sa y tế nhưng thiếu bằng chứng về tác dụng phụ nhiều. Vì vậy, chỉ sử dụng dronabinol, nabilone và nabiximols khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc giảm đau opioid (ví dụ như morphin…).
Không làm tăng cảm giác ngon miệng
Về việc sử dụng cần sa y tế làm tăng cảm giác ngon miệng, một thử nghiệm lâm sàng so sánh delta-9-THC (dronabinol) và một loại thuốc tiêu chuẩn (megestrol, một chất kích thích sự thèm ăn) ở bệnh nhân ung thư tiến triển và mất cảm giác ngon miệng. Kết quả cho thấy delta-9-THC không giúp tăng cảm giác ngon miệng hoặc tăng cân ở bệnh nhân ung thư tiến triển so với megestrol. Vì vậy, không khuyến cáo dùng cần sa y tế để làm tăng cảm giác ngon miệng cho bệnh nhân ung thư.
Trong khi đó, cần sa y tế có nhiều tác dụng phụ. Nó tương tác với nhiều loại thuốc. CBD ức chế CYP3A4 và CYP2D6, và có thể làm tăng nồng độ thuốc được chuyển hóa bởi những isoenzyme này (tương tự bưởi chùm). CPY3A4 chuyển hóa khoảng 1/4 của tất cả các loại thuốc; THC chất cảm ứng CYP1A2 và có thể làm giảm nồng độ thuốc được chuyển hóa bởi CYP1A2 như của clozapine, duloxetine,naproxen, cyclobenzaprine, olanzapine, haloperidol và chlorpromazine...
Đặc biệt, nó còn làm tăng nhịp tim, gây chóng mặt, làm suy giảm tập trung và trí nhớ, tăng nguy cơ đau và đột quỵ.
Hơn nữa, sử dụng nhiều cần sa y tế có khả năng gây nghiện, gia tăng hội chứng nôn chu kỳ, gây ảo giác hoặc bệnh tâm thần, triệu chứng cai...
Mua bán, sử dụng cần sa y tế bị cấm ở Việt Nam
Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất, nói rõ: Cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, cần sa và các chế phẩm từ cần sa cũng không nằm trong danh mục các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế...