Lan đột biến hàng chục tỷ đồng là không bình thường
Ngày 12/4, giới chơi lan đột biến xôn xao trước thông tin một chủ vườn lan đột biến H.T. ở Xóm chợ Định Xuyên, xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ôm theo 200 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Trước tình hình đó, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua bán lan đột biến. Theo đó, hiện nay trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng đang bàn tán xôn xao về giá trị của giống hoa lan đột biến, trong đó có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với người chơi sinh vật cảnh trên cả nước, các địa phương cần khuyến cáo hội viên cẩn trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi về chủng loại lan var này.
GS.TS Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội cho rằng, việc các giao dịch hoa lan đột biến được đẩy lên tới hàng chục tỷ đồng là không bình thường. Với những người ít am hiểu về lan, không thạo kỹ thuật thì không nên mua bán lan đột biến theo cảm tính vì việc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro và việc chăm sóc, nhân giống các loại lan đột biến thường rất khó.
Cần hiểu đúng giá trị của lan đột biến. |
Nhập nhèm lan đột biến
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, việc xuất hiện lan đột biến là một hiện tượng tự nhiên của sinh vật, không chỉ diễn ra ở cây lan mà ở mọi loại cây trồng, mọi loại sinh vật từ rất lâu rồi. Chưa kể đến những cây lan đột biến mà chúng ta thấy chưa chắc đã phải là lan đột biến từ sự “biến dị đột biến” (tức là đột biến như mọi người thường hiểu) mà còn có thể là do “Biến dị tái tổ hợp” tức là do quá trình thụ phấn (do con người hoặc do côn trùng, gió) đã tạo ra những hạt lan lai, để từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính của cây bố mẹ, khác màu hoa của cây bố, mẹ.
Trong một số cây mà mọi người gọi “đột biến”, có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền) tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định, sau đó nó sẽ trở về trạng thái, với những tính trạng ban đầu. Chính điều này lý giải tại sao, một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác. Nhiều người đã “ngậm trái đắng” khi bỏ ra cả chục tỷ đồng mua lan đột biến là vì thế. Thực tế lan đột biến rất quý, hiếm, nhưng phải là lan đột biến thực sự chứ không phải lan thường biến hay lan biến dị tái tổ hợp.
"Hồi thế kỷ 17, hoa tulip trồng ở Hà Lan bỗng dưng có một vài bông bị nhiễm virus nên có sọc màu. Thứ bị lỗi bỗng dưng thành lạ, thành quý, thành giá đắt. Đến mức một bông tulip đỉnh điểm bán được nhiều tiền hơn một căn nhà khang trang ở trung tâm Amsterdam. Sau đó, "bong bóng" tulip bị vỡ và "tulipmania" (tạm dịch: hội chứng hoa tulip) đi vào các trang sách giáo khoa kinh tế như một ví dụ điển hình của việc đầu cơ lợi nhuận dựa trên ước đoán tâm lý thị trường”, PGS.TS Đặng Văn Đông kể lại.
Hiện nay bằng công nghệ nuôi cấy mô, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có thể phát hiện, tạo ra và phát triển hoa lan đột biến số lượng lớn (không chỉ với phi điệp mà còn cho nhiều chủng loại lan khác). Đã đến lúc, dư luận cần có cái nhìn đúng đắn hơn về thị trường này.