Bộ GD&ĐT: Cố gắng giảm từ 5-7 tuần so với chương trình
Ngày 25/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT về tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 và hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh không thể đến trường.
Hội nghị trực tuyến do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì. |
Tại buổi họp, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành đã thông tin chi tiết về việc tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông,
Ông Thành cho biết, hiện tại, Bộ GD&ĐT đã thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản chương trình. Thành viên các tiểu ban này là chuyên gia giáo dục, tác giả sách giáo khoa, giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học. Việc rà soát, tinh giản sẽ được thực hiện trên tinh thần giảm những kiến thức nâng cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức cốt lõi của chương trình.
Các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong sách giáo khoa theo chủ đề, vừa tiết kiệm thời gian học, vừa thuận lợi cho thiết kế các bài học qua internet và truyền hình. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.
Căn cứ hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình của Bộ, Sở GD&ĐT, các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình và đảm bảo hoàn thành chương trình trong khung thời gian đã quy định.
Về thời lượng chương trình giảm tải, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin, Bộ GD&ĐT đặt cố gắng giảm từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Đề thi THPT quốc gia sẽ dựa trên chương trình giảm tải. Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề thi tham khảo để học sinh, giáo viên thuận lợi trong ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 8 tới đây.
Cần có nhiều kịch bản tinh giản, tránh bị động
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng THCS Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chưa xác định được thời điểm nào có thể đi học lại được. Ngay cả thời điểm kết thúc năm học vào 15/7 cũng không chắc có thể thực hiện được hay không.
“Cho nên, tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có nhiều kịch bản tinh giản chương trình. Ví dụ, nếu đi học vào thời điểm này, thì sẽ có kịch bản này. Đi học vào thời điểm kia, thì sẽ có kịch bản khác. Có một khung nhất định, rồi tùy vào tình hình thực tế sẽ áp dụng, bổ sung dần. Như vậy sẽ tránh rơi vào hoàn cảnh bị động”, cô Vân Anh nói.
Điều này cũng xuất phát từ thực tế, viêc học trực tuyến khó đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các học sinh. Đối với em có ý thức tự học tốt, thì đảm bảo được khoảng 60-70% yêu cầu. Còn với những học sinh ý thức tự học không tốt, tình hình không hề khả quan. Chưa kể, giữa các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục chất lượng cũng đã khác nhau. Chính vì vậy, việc tinh giản chương trình sẽ phụ thuộc vào thời điểm học sinh đi học trở lại khi nào.
Chung ý kiến với cô giáo Vân Anh, thầy giáo Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh, việc học trực tuyến, học trên truyền hình là một giải pháp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc dạy trực tuyến hiện nay có nhiều hạn chế. Đầu tiên là học sinh chưa làm quen với phương pháp này, giáo viên cũng vậy. Các em học sinh chưa tập trung. Hơn nữa, chất lượng còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, hiện nay chưa đảm bảo như đường truyền chưa được tốt, mạng hay bị lác.
Cho nên, việc tinh giản chương trình là cần thiết, nhưng cần trên cơ sở học sinh khi nào đi học trở lại. Và cũng cần có những kịch bản khác nhau.
Thi vào phần kiến thức học kỳ 1 sẽ an toàn hơn
Việc tinh giản chương trình và học qua trực tuyến sẽ ảnh hưởng tới tất cả các học sinh, tuy nhiên, theo các giáo viên, đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là học sinh lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi lên lớp 10 và THPT Quốc gia.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội chia sẻ, một trong những khó khăn hiện nay là chưa có một văn bản nào chính thức khẳng định kiến thức học trực tuyến có thể dùng để thi.
Hơn nữa, nhiều học sinh không có điều kiện để học. Và các nhà trường cũng khó có điều kiện để kiểm chứng, đánh giá được có khoảng bao nhiêu % học sinh có thể đáp ứng được việc học trực tuyến.
“Cho nên, tôi cho rằng, đề thi nên tập trung vào mảng kiến thức học sinh đã học ở học kỳ 1 thì sẽ an toàn và đồng bộ hơn”, ông Mạnh nói.
Nhất là, là trong hoàn cảnh chưa biết khi nào học sinh đi học trở lại, thì dù có tinh giản chương trình, nhưng nếu học sinh chỉ học qua trực tuyến thì cũng rất khó đảm bảo chất lượng để đi thi.
Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Hữu Hiệp đề xuất, không chỉ giảm tải chương trình, mà số lượng môn thi vào lớp 10 cũng nên giảm tải, không nên thi môn thứ 4. Thời điểm thi cũng cần bố trí thích hợp, để các thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất.
Việc tinh giản này chủ yếu do hoàn cảnh dịch bệnh, không đủ thời gian cho việc dạy và học. Tuy nhiên, đây cũng là một dịp để những người làm chương trình cần kết hợp xem xét những nội dung chưa hợp lý hoặc trùng lặp, những nội dung không tập trung phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh thì có thể tinh giản, giảm tải cho học sinh.
Trao đổi với KH&ĐS, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho rằng, về nguyên tắc, có thể giảm tải được chương trình. Tuy nhiên, dù là điều chỉnh như thế nào thì cũng phải dựa trên chuẩn của chương trình, không thể hạ thấp được. Đối với học sinh cuối cấp, khi đã tập trung vào nội dung tinh giản rồi thì phải có cách dạy, rèn luyện thành thạo các kỹ năng cho học sinh để bước vào kỳ thi tốt, điều này có thể làm được và cũng không quá lo ngại.
Trước mắt, việc tinh giản chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, qua dịch bệnh này cũng là cơ hội để đổi mới phương pháp học tập cho học sinh, đó là tự học.