Hạ mức độ yêu cầu đề thi cho phù hợp hơn với số đông các Trường
Trao đổi về những khó khăn mà kỳ thi Olympic Toán học sinh viên – học sinh đang gặp phải, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam chia sẻ, thứ nhất là về kinh phí tổ chức.
Các kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc thường được tổ chức tại các trường đại học miền Trung để giảm bớt chi phí và thời gian đi lại của các đoàn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều trường đại học miền Trung gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, dẫn đến khó khăn về tài chính. Vì thế, việc tìm đơn vị đăng cai và tổ chức cũng bị ảnh hưởng, các trường thiếu nhiệt huyết đối với cuộc thi.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức phát biểu tại Lễ khai mạc kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc lần thứ 27. |
Khó khăn thứ hai đến từ việc giảng dạy và học tập môn Toán. Hiện nay, chương trình đào tạo các môn toán của nhiều trường bị cắt giảm. Môn giải tích chỉ còn đúng 2 tín chỉ, điều này gây khó khăn cho việc chọn đội tuyển do các em đc học ít, thời gian ôn tập ngắn.
Thời lượng giảng dạy các môn Toán của trường trong những năm gần đây bị cắt giảm, do đó có rất nhiều nội dung trong đề cương các môn Olympic Đại số và Giải tích toàn quốc các em sinh viên của nhà trường chưa từng được tiếp cận trong quá trình học tập ở phổ thông cũng như trên đại học.
Chất lượng học toán từ phổ thông của sinh viên không được tốt, do cách học, cách thi theo trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT.
Sự hứng thú với phong trào thi Olympic giảm dần theo các năm, một phần nguyên nhân không nhỏ do chất lượng đầu vào học viên sinh viên giảm bởi hình thức thi tuyển đại học những năm gần đây.
Đặc biệt, khi học toán để đi thi tốt nghiệp các em theo kiểu khác, còn khi thi Olympic các em lại học toán theo kiểu khác. Không còn nhiều sinh viên có đam mê, hứng thú với việc học Toán.
Một số trường thuộc khối Trường Kỹ thuật điểm đầu vào mấy năm nay không cao, sinh viên yêu Toán ngày càng ít nên nguồn tuyển chọn hạn hẹp. Hơn nữa, xu thế các Trường Đại học Kỹ thuật cắt dần khối lượng kiến thức và thời lượng giảng dạy Toán nên gặp rất nhiều khó khăn.
Từ những khó khăn này, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh đưa ra kiến nghị, ban tổ chức cần đưa ra những giải pháp thích hợp để cuộc thi này thành công đạt nhiều mục tiêu như: chất lượng, cơ cấu giải thưởng thích hợp.
Đối với Hội Toán học, cần cho đề cương ôn tập phù hợp hơn với số đông Khối Trường không có Khoa Toán (không chuyên về Toán).
“Đặc biệt, hạ mức độ yêu cầu đề thi cho phù hợp hơn với số đông các trường. Cơ chế giải thưởng mang tính khuyến khích hơn, nên có sự thống nhất về cơ chế giải thưởng với các Hội khác: Hội Vật Lý, Cơ học, Hóa học”, ông Linh nói.
Rất cần sự đồng hành của Bộ GD&ĐT
Một trong những khó khăn mà đại diện đến từ các Hội đều chia sẻ, đó là hiện nay, cuộc thi chưa nhận được sự quan tâm từ phía Bộ GD&ĐT, nhất là việc trao tặng bằng khen cho các thí sinh được giải cao. Bằng khen từ Bộ sẽ là nguồn động viên rất lớn cho các em, một trong những yếu tố giúp giữ lửa, duy trì được sân chơi, tuy nhiên, điều này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không có được.
Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam. |
Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam kiến nghị, cần sự quan tâm hơn từ Chính phủ, đặc biệt là Bộ GD&ĐT. Năm 2019, cuộc thi đã bắt đầu không nhận được Bằng khen của Bộ cho các sinh viên giải Nhất và các thầy cô Trường đăng cai.
Dù ICPC là kỳ thi Quốc tế uy tín toàn cầu, nhưng vẫn cần nhiều thủ tục xin phép tổ chức từng năm, không hề có sự quan tâm từ phía Bộ GD&ĐT.
Việc kêu gọi các Trường đăng cai cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi thi tin học liên quan đến thiết bị, rất cần sự hỗ trợ bằng văn bản từ Bộ GD&ĐT.
Ông Phạm Văn Thiều, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Vật lý Việt Nam, nguyên Trưởng ban Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc đề nghị, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục duy trì hình thức khen thưởng cho các cá nhân và tập thể đạt giải như thông lệ đã thống nhất giữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN).
Ghi nhận ý kiến từ đại diện các Hội, TS PhanTùng Mậu, Phó Chủ tịch LHHVN đánh giá, các thầy cô đã rất tâm huyết, trách nhiệm để giữ được sân chơi trí tuệ này. "Trong thời gian sắp tới, cần phải xây dựng một quy chế đối với cuộc thi này… Trong đó, làm rõ của các bên tham gia, đặc biệt là vai trò của Bộ GD&ĐT", ông Mậu khẳng định.
TS PhanTùng Mậu, Phó Chủ tịch LHHV cho biết, các hội cần tiếp tục đẩy mạnh và thể hiện vai trò đầu mối, đăng cai tổ chức các hội thi, giải thưởng.
LHHVN tiếp tục là cơ quan bảo trợ và hỗ trợ một phần kinh phí cho các giải thưởng, hội thi.
Thực hiện công tác phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, tích cực giữa các cơ quan đăng cai tổ chức.
Đổi mới nội dung và phương thức tổ chức các giải thưởng, hội thi theo hướng nâng cao chất lượng thí sinh, bài thi và giải thưởng nhằm xây dựng các giải thưởng hội thi thành các phong trào có sức hút, có sức hấp dẫn phù hợp với người trẻ, thúc đẩy phong trào phát triển khoa học trong thời đại mới.