Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội thép cho biết, đề xuất này cần cần nhắc vì nếu được thực hiện sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn.
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đánh giá, hiện nay ngành thép đã hoàn toàn tự chủ và đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước đối với phôi thép, thép xây dựng và một số loại thép tấm, đồng thời đã xuất được ra nước ngoài.
Do đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, bộ này trình Chính phủ phương án giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại sắt thép.
Cụ thể, về thuế nhập khẩu thép, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế đối với một số mặt hàng thép gồm: thép cốt bê tông thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 từ 20% xuống 15%; thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 và thép có răng khía thuộc nhóm 72.13 từ 15% xuống 10%.
Đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng của nhóm 72.10, mức thuế nhập khẩu kiến nghị giảm từ 20% và 25% xuống 15%.
"Việc giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có khiến giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mức ảnh hưởng dự báo không lớn do nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này hiện nay là không cao", Bộ Tài chính đánh giá.
Bên cạnh đó, về thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Phương án này nếu được chấp thuận sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép. Từ đó, giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.
Tuy nhiên, trước đề xuất của Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội để kiến nghị Bộ Tài chính về nội dung này.
Hiệp hội thép Việt Nam cho hay, chính sách tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu lúc này của Bộ Tài chính là "không đúng thời điểm". Bởi lẽ, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho sản xuất thép của các đơn vị giảm sút. Nhiều nhà máy ở phía Nam hiện nay gần như đình đốn sản xuất, không bán được hàng do ảnh hưởng của dịch. Ngoài ra, giá thép trong nước đang trên đà đi xuống do bước vào mùa mưa và việc xây dựng các dự án bị đình trệ.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho biết, các doanh nghiệp trong ngành thép những năm qua đã đầu tư nâng công suất, chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc hạn chế xuất khẩu sẽ khiến công suất dư thừa. Trong khi, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Điều này hoàn toàn không có lợi cho sản xuất kinh doanh thép trong nước.
Chia sẻ với phóng viên, một doanh nghiệp lớn trong ngành thép cho biết, thị trường thép thời gian vừa qua biến động do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Bộ Công Thương và liên ngành đã kiểm tra thực tế các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tối đa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Kết quả kiểm tra, Đoàn Kiểm tra ghi nhận thực tế tình hình sản xuất kinh doanh và biến động giá bán các sản phẩm thép chủ yếu do biến động của nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất thép (quặng sắt, phế liệu, than,..). Các doanh nghiệp ngành thép đã khai thác tối đa sản lượng công suất thiết kế để phục vụ thị trường.
Theo doanh nghiệp này, giá bán thép trong hơn 1 tháng qua đã liên tục giảm từ mức trên 18 triệu đồng/tấn tại nhà máy đã giảm xuống mức hơn 16 triệu đồng/tấn, thị trường đã bình ổn trở lại nhưng việc bán hàng của doanh nghiệp thép gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, tồn kho tăng cao. Tồn kho 6 tháng năm 2021 đã tăng 33% so với 6 tháng cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản xuất.
Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết: “Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép, giảm thuế nhập thép xây dựng trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài là không phù hợp. Nhu cầu trong nước không hấp thụ hết phải xuất khẩu. Nếu tăng thuế xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn kép về kênh bán hàng và hiệu quả sản xuất kinh doanh”.
Theo các ý kiến của doanh nghiệp và hiệp hội thép, Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Việc đề xuất điều chỉnh các thuế với ngành thép như trên sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước và hàng nghìn lao động đang gặp khó khăn do dịch sẽ gặp thêm khó khăn do bị cắt giảm việc làm, thu nhập.