Trẻ lớp 1 thiếu tập trung, ngáp ngủ khi học trực tuyến
Chị Nguyễn Thanh Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm nay có con vào lớp 1. Điều khiến chị lo phiền là bé vẫn chưa có tâm thế của một học sinh lớp 1, ngồi học không tập trung, vẫn vừa học vừa chơi.
“Đang học thì lại quay sang làm nũng mẹ, kêu khát, đòi uống sữa, có lúc đòi cả ăn bánh. Ở bên ngoài, ai nói gì cũng “hóng hớt”. Đang học lại nằm bò ra bàn. Tôi chưa biết làm thế nào để con tập trung vào học”, chị Huyền chia sẻ.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Nam (Ba Đình, Hà Nội) cũng “đau đầu” với cậu con trai năm nay vào lớp 1 nhưng vẫn thích chơi hơn học. Bé chỉ tập trung học được ít phút đầu, sau đó ngọ nguậy, luôn chân tay nghịch ngợm. Bố quát nạt thì ngồi im, nhưng rồi lại ngáp vặt.
10 lưu ý quan trọng đối với trẻ lớp 1 khi học trực tuyến
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở độ tuổi lên 6, các em rất háo hức khám phá nên dễ bị mất tập trung bởi bất kỳ một kích thích nào xung quanh.
Đây cũng là độ tuổi rất hiếu động và ồn ào, khoảng chú ý ngắn (chỉ 10 phút là cùng) nên sẽ rất khó khăn cho các con khi phải tập trung chú ý trong một thời gian dài.
Để trẻ lớp 1 học trực tuyến hiệu quả, phụ huynh cần lưu ý 10 điểm quan trọng sau:
Điều đầu tiên là cần tạo con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến. Cha mẹ có thể nói chuyện với con về ý nghĩa của việc học trực tuyến, như con sẽ được gặp bạn bè mới, có nhiều niềm vui, tham gia những trò chơi thú vị.
Thứ hai, để con có thể học trực tuyến một cách tập trung thì cha mẹ cũng cần tạo một không gian học tập cố định, có quy tắc, và các thành viên trong gia đình cũng cần tôn trọng quy tắc đó, trật tự trong thời gian con học. Góc học tập phải yên tĩnh, được thu xếp gọn gàng, đầy đủ đồ dùng học tập để con có thể với lấy dễ dàng. Tất cả những đồ vật gây xao nhãng như ti vi, đồ chơi, vật nuôi… cần được loại bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ. Nếu không thể cách ly tiếng ồn, hãy mua cho con một tai nghe trùm tai để đeo.
Thứ ba, trong lớp học online, cô giáo không thể đến từng bàn học để kiểm tra và hỗ trợ từng học sinh nên cha mẹ cũng cần xác định vai trò của mình, làm thay điều này cho các giáo viên. Theo đó, cha mẹ giúp điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý cũng như nhắc nhở con, hỗ trợ kịp thời khi con cần để con hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Thứ tư, trẻ sẽ có tâm thế học tốt hơn nếu trẻ thoát ra được cảm giác mình đang ở nhà. Phụ huynh có thể cho trẻ mặc trang phục như đi học thường ngày, chẳng hạn như đồng phục và trẻ cần ngồi học đúng tư thế. Điều này khiến con tập trung hơn.
Thứ năm, để giúp con tập trung chú ý trong giờ học trực tuyến, cha mẹ có thể làm các lời nhắc nhở dễ thương, dán trên màn hình máy tính ngay trước mặt con. Ví dụ: Con tập trung chú ý nghe giảng nhé, giơ tay phát biểu. Khi tâm trí con "đi lang thang" thì hãy nhìn vào tờ giấy nhắc nhở ấy để chú ý trở lại. Và khi con làm được điều đó, cha mẹ hãy hào phóng khen thưởng để con có động lực.
Thứ sáu, với một số trẻ quá hiếu động, khi bị bắt phải ngồi yên tập trung vào bài học sẽ khiến các con rất bồn chồn. Cha mẹ có thể đưa cho con quả bóng stress để bóp vặn khi lo lắng. Điều này, sẽ khiến con kiểm soát hành vi tốt hơn và ngồi yên tại chỗ.
Thứ bảy, khi con học trực tuyến thì cần hạn chế thời gian sử dụng màn hình của con trong các hoạt động hằng ngày để tổng thời gian sử dụng màn hình trong ngày không làm con quá tải. Khuyến cáo của các nhà tâm lý học thần kinh, một ngày đối với trẻ từ 10 tuổi trở xuống, tổng thời gian không được quá 2 tiếng làm việc trực tiếp với màn hình, Cha mẹ có thể cùng con đưa ra nguyên tắc sử dụng mạng và thiết bị công nghệ để đảm bảo an toàn.
Thứ tám, cha mẹ lưu ý, việc học trực tuyến tước mất các cơ hội vận động giải tỏa căng thẳng của con như các giờ tập thể dục, những trò chơi ngoài trời… nên gia đình cần phải bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như sắp xếp lại góc học tập, bê đồ lên giặt, quét nhà, dọn đồ chơi, chuẩn bị bàn ăn, chăm sóc thú cưng… đặc biệt là những hoạt động ở không gian thoáng, có cây xanh.
Thứ chín, cảm xúc của trẻ trong giai đoạn mới đi học rất dễ tổn thương. Sự háo hức học tập sẽ bị đè bẹp ngay lập tức với những lời phê bình, lên giọng, không được chú ý khi giơ tay muốn phát biểu… Cha mẹ cần sẵn sàng hỗ trợ tâm lý cảm xúc cho trẻ khi vào học trực tuyến, giúp con nhận diện, bình thường hóa cảm xúc và hướng dẫn con thực hiện những bài tập thư giãn phù hợp khi đối diện với các cảm xúc tiêu cực.
Cuối cùng, thứ mười, cha mẹ cần chủ động học hỏi nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân để sử dụng và giúp con sử dụng thiết bị an toàn, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách thức quản lý cảm xúc và phương pháp kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với con trẻ.
Cha mẹ cũng cần cập nhật những kiến thức để chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch như dành thời gian cho con đủ, tạo ra cảm xúc tích cực, cùng lên lịch trình, ứng phó với hành vi không đúng đắn của trẻ, cách quản lý căng thẳng trong gia đình… để các con an tâm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bước vào lớp 1, mỗi con có thể có những thuận lợi và khó khăn riêng. Có trẻ gặp phải khó khăn qua kênh nghe. Có trẻ lại gặp khó khăn qua kênh nhìn. Có em lại có biểu hiện tăng động giảm chú ý. Hoặc có em đang chịu những tổn thương về tinh thần do đại dịch… Trong khi đó, giáo viên, do không tiếp cận trực tiếp, nên không nhận diện sớm được những dấu hiệu. Vì vậy, giáo viên cần có sự hỗ trợ từ cha mẹ để đánh giá sớm những biểu hiện khó khăn của học sinh, từ đó, có những định hướng can thiệp sớm.