<div> <p><strong>Quân đội huy động 148 người, 19 phương tiện</strong></p> <p>Liên quan đến công tác ứng phó, xử lý hóa chất độc hại sau sự cố cháy Công ty CP bóng đèn, phích nước Rạng Đông (viết tắt là Công ty Rạng Đông, đóng tại Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội), theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), trong ngày 12.9, Bộ Tư lệnh hóa học, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội phối hợp với Công ty môi trường URENCO 10 bắt đầu triển khai lực lượng tham gia xử lý sự cố ô nhiễm môi trường sau vụ cháy. Trong đó, riêng lực lượng quân đội đã huy động 148 cán bộ, chiến sĩ, 19 phương tiện các loại cùng nhiều khí tài chuyên dụng thu dọn tàn dư sau vụ cháy để đưa đi tiêu hủy; tiến hành các biện pháp tẩy độc môi trường.</p> <p>Tối 12.9, ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Urenco 10, cho biết ngày đầu công việc chủ yếu là dọn dẹp, cưa cắt phần kết cấu bị sập đổ để phát tuyến, khơi thông đường làm tiền đề cho những ngày tiếp theo. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng tiêu độc ở những vị trí đã được tiếp cận, dọn dẹp. “Do khối lượng công việc quá lớn, nguy hiểm và tốn nhiều nhân lực nên trong ngày mai (13.9) đơn vị này sẽ huy động thêm nhân lực để tăng cường các điểm cắt (cắt kết cấu nhà xưởng bị sập đổ); huy động thêm máy móc để giảm sức lao động, hạn chế nguy hiểm cho công nhân làm việc thủ công, nâng cao hiệu quả công việc”, ông Phong nói và nhận định mất ít nhất 3 ngày mới có thể đánh giá được khối lượng, tiến độ công việc và cần ít nhất 20 ngày mới có thể “làm sạch” được Công ty Rạng Đông.</p> <p><strong>Người dân có thể khởi kiện, đòi bồi thường</strong></p> <p>Trong khi đó, phân tích về khả năng khởi kiện đòi bồi thường của người dân chịu ảnh hưởng trong vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Đoàn LS TP.Hà Nội, nêu quan điểm: Vụ cháy này là một sự cố nghiêm trọng về hỏa hoạn, về hóa chất, gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp và sức khỏe của nhiều người dân xung quanh. Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải được đặt ra. “Việc rò rỉ hóa chất, phát tán hóa chất gây tổn hại sức khỏe của người khác, dù người quản lý, sử dụng hóa chất không có lỗi thì vẫn phải bồi thường người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật bồi thường thiệt hại về tài sản và sức khỏe do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)”, LS Cường phân tích và cho rằng Công ty Rạng Đông còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà “nạn nhân” phải gánh chịu. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm, không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.</p> <p>Theo LS Nguyễn Thế Truyền (Đoàn LS TP.Hà Nội), trong vụ cháy Công ty Rạng Đông, nếu người dân không thỏa thuận được mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.</p> <p>Một trong những khó khăn khi khởi kiện đòi bồi thường, theo các chuyên gia, chính là việc người yêu cầu phải chứng minh thiệt hại, hành vi trái pháp luật (của người gây ra thiệt hại), mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật... Theo LS Cường, hiện tuy chưa thống kê được thiệt hại về tài sản và sức khỏe do sự cố gây ra, song đã có rất nhiều người phải thăm khám, điều trị; nhiều người phải sơ tán; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh quanh khu vực đám cháy phải ngừng hoạt động. Đây đều có thể coi là thiệt hại do sự cố tại Công ty Rạng Đông gây ra. </p> <p><strong>Công ty Rạng Đông từng 2 lần xin chuyển đổi đất bất thành</strong></p> <p>Công ty Rạng Đông được cổ phần hóa vào năm 2004. Năm 2015 trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân. Giá trị cổ phần bao gồm cả khu đất 87 - 89 Hạ Đình rộng hơn 5,7 ha có mục đích sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất bóng đèn phích nước và sản phẩm phục vụ chiếu sáng; trong đó một phần là đất thuê 30 năm từ 1.9.2004, một phần là đất thuê hằng năm.</p> <p>Tháng 1.2015 Thủ tướng có quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện... trong các quận nội thành Hà Nội. Sau đó, UBND TP.Hà Nội định hướng quỹ đất của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sau khi di dời đều được xem xét chỉ đạo ưu tiên phục vụ đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng, đơn vị ở...; phần diện tích còn lại xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở, trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu, xem xét sự phù hợp với quy hoạch đảm bảo theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, trong lộ trình di dời các cơ sở sản xuất khỏi nội thành đến năm 2020 thì không có Công ty Rạng Đông.</p> <p>Tháng 5.2017, Công ty Rạng Đông đề nghị UBND TP.Hà Nội cho lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất 87 - 89 Hạ Đình. Tháng 11.2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản trả lời Công ty Rạng Đông nêu rõ, việc di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2.000 được duyệt là chưa có cơ sở để xem xét.</p> <p>Tháng 3.2018, Công ty Rạng Đông lại có văn bản đề nghị tiếp tục thẩm định, trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500. Nhưng cũng chỉ nhận được cái “lắc đầu” từ cơ quan chức năng của TP.Hà Nội với lý do không có cơ sở, cần chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.</p> <p>Tối 28.8.2019, nhà kho Công ty Rạng Đông bốc cháy gây sự cố môi trường nghiêm trọng.</p> <p> </p> <p> </p> </div>