Không nên quá hoảng loạn
Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, đơn vị sở hữu ứng dụng PamAir đo chất lượng không khí cho biết, hiện có nhiều thông tin về chỉ số chất lượng không khí, người dân nhiều khi bị rối. Rất nhiều ứng dụng, kênh cung cấp chỉ số AQI như Đại sứ quán Mỹ, UBND TP Hà Nội, AirVisual, PamAir... Ví dụ, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội sáng ngày 30/9 có nhiều điểm báo động màu tím, AQI lên đến trên 200, thậm chí 300. Cá biệt buổi trưa ngày 30/9 tại một trạm quan trắc ở Đồ Sơn, Hải Phòng, chỉ số AQI lên đến trên 500. Tìm hiểu thì được biết trạm quan trắc này nằm trong vùng người dân đốt rơm rạ, cảm biến chất lượng không khí luôn báo vượt ngưỡng. Do đó, chỉ số này là chất lượng không khí tại trạm quan trắc đó chứ không phải không khí đã phát tán ra khắp nơi.
Nhiều ngày qua, trên ứng dụng của AirVisual, Hà Nội luôn là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Liệu điều này có đúng? Ông Phạm Quang Vinh, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường chia sẻ, không khí ở Hà Nội đúng là ô nhiễm, nhưng có ô nhiễm nhất thế giới hay không thì phải xem lại. Bởi AirVisual chỉ là một ứng dụng, độc lập trong công bố chất lượng quan trắc. Ngoài ra có nhiều kênh quan trắc khác, cho kết quả khác. IQAir là một công ty, vốn thành lập ở Đức, trụ sở hiện tại ở Thuỵ Sĩ. Sản phẩm chính yếu là các thiết bị lọc không khí, phát triển từ sản phẩm nguyên thuỷ là thiết bị lọc bụi từ lò sưởi gia đình từ những năm 1950, sản phẩm phụ là thiết bị đo chất lượng không khí, mặt nạ... IQAir thu nhận số liệu từ các thiết bị quan trắc cá nhân và đẩy lên ứng dụng cho mọi người cùng xem nên ít có tính xác thực. Người dân không nên quá hoảng loạn với các chỉ số mà AirVisual công bố.
Chưa quan trắc được tất cả các chất ô nhiễm
TS Hoàng Dương Tùng cho biết, Việt Nam đã có các hệ thống quan trắc tự động thiết bị cố định hoặc đo bằng tay rồi về phân tích ở phòng thí nghiệm, hoặc các trạm cảm biến. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ chưa cho phép chúng ta quan trắc được tất cả các thông số ô nhiễm, cũng như độ chính xác chưa cao. Điểm đáng lưu ý với con số ô nhiễm không khí ngày 29 và 30/9 là tình trạng báo động tím diễn ra chủ yếu vào sáng sớm từ 4 - 7 giờ sáng ở nhiều điểm và một vài điểm có ngưỡng tím vào ban đêm. Đây là hiện tượng bất thường, cần phải có những quan trắc và nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định được về nguyên nhân.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí thì phải biết nguồn ô nhiễm từ đâu, chất gì. Ở Việt Nam, nguồn ô nhiễm chính là từ phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng hạ tầng nhiều nên phát sinh bụi, từ các nhà máy xi măng, thép, hóa chất, than, làng nghề… đốt rơm rạ, than tổ ong… Tất cả những cái đó đều là nguồn gây ra bụi mịn PM 2.5 sơ cấp và thứ cấp.
Hiện nay, hệ thống quan trắc của Việt Nam còn hạn chế: Hà Nội có 2 trạm quan trắc cố định (số liệu có độ tin cậy cao), TPHCM không có trạm cố định nào. Việt Nam cũng chưa dự báo được chất lượng không khí khi số liệu quan trắc mỏng vì thế thiếu thông tin và các số liệu có cơ sở khoa học để khuyến cáo người dân về ô nhiễm không khí. Trong khi đó, người dân cần được truyền thông một cách cụ thể, minh bạch về việc này.
Bài học từ Bắc Kinh
Theo TS Hoàng Dương Tùng, từ năm 1998, Bắc Kinh đã tuyên chiến với ô nhiễm không khí. 20 năm sau, Bắc Kinh đã chiến thắng trong trận chiến, thoát khỏi nhóm ô nhiễm nhất thế giới. Năm 1998, không khí ở Bắc Kinh ô nhiễm nghiêm trọng do khí thải xe cộ và đốt than. Các chỉ số ô nhiễm chính đều vượt giới hạn quốc gia. Tháng 9/2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động về phòng chống ô nhiễm không khí, đóng vai trò là hướng dẫn để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí ở cấp quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch hành động xác định các biện pháp chính, bao gồm tái cơ cấu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sạch; chuyển đổi công nghệ theo hướng sạch đối với những ngành gây ô nhiễm; tăng cường tiết kiệm sử dụng năng lượng, dùng năng lượng thân thiện với môi trường... Để kiểm soát ô nhiễm đốt than, chính quyền khuyến khích xây dựng dự án sử dụng khí gas và các nhiên liệu sạch để thay thế sử dụng than, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và cấm người dân ở các khu vực xung quanh dùng than để sưởi ấm, đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu.
Để ngăn chặn bụi, Bắc Kinh thực hiện để kiểm soát bụi phát ra tại các công trường xây dựng, niêm phong phương tiện vận tải tạo ra bụi, tăng cường quét đường hay hút bụi. Thành phố đã tăng lượng bao phủ cây xanh tại nội đô và khu vực lân cận lên tới 100 km2. Kế hoạch hành động trên đã giúp Trung Quốc cải thiện đáng kể chất lượng không khí, thành phố Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu đề ra, PM2.5 trung bình hàng năm còn là 58 microgram/m3 - giảm 35%.
PGS.TS Bùi Thị An, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, giải pháp ngăn chặn ô nhiễm có rất nhiều, nhưng cần thực hiện bài bản, có lộ trình cụ thể, từng bước giảm dần các tác nhân ô nhiễm, chứ không thể ngay lập tức làm được. Các cơ quan quản lý cần vào cuộc ngay để khắc phục tình trạng này.
“Khi theo dõi ở các phần mềm cảnh báo chất lượng không khí, người dân nên để ý đến thời gian thực. Nhiều khi dữ liệu hiện tại là dữ liệu của 2 tiếng, 5 tiếng, thậm chí là của 1 ngày trước. Và cần nhận biết số liệu đó được đo đạc dựa trên các trạm quan trắc hay mô hình. Nếu có gắn dấu sao nghĩa là dữ liệu có được do chạy mô hình, độ chính xác không cao. Việc ứng phó với không khí ô nhiễm là rất cần thiết, nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang, sợ hãi, đến mức di tản, không dám ra ngoài đường”, ông Hoàng Dũng cho biết.